MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh các lô đất bị khai thác trái phép trên đường Cương Kiên, dưới sự bảo kê của cán bộ địa chính UBND phường Mễ Trì. Ảnh: NPV

Tiếp bài "Cận cảnh việc làm luật, hô biến đất nông nghiệp thành bãi kinh doanh": Quận Nam Từ Liêm vi phạm Luật Báo chí?

NHÓM PV LDO | 21/07/2022 06:26

Mặc dù Báo Lao Động đã chỉ mặt đặt tên, làm rõ phương thức, thủ đoạn của nhóm đối tượng, tổ chức, cá nhân có hành vi thâu tóm, kinh doanh, hợp thức hóa các diện tích đất nông nghiệp thành mặt bằng để “thu lời bất chính”. Tuy nhiên, thay vì vào cuộc ngay kiểm tra, xử lý, quận Nam Từ Liêm lại có biểu hiện “lòng vòng”, “đá bóng” trách nhiệm cho cơ quan báo chí và đưa ra những yêu cầu hết sức vô lý, vi phạm các quy định của Luật Báo chí. 

Rõ người, rõ đối tượng, rõ hành vi

Cảnh đưa nhận phong bì giữa một người đàn ông tên L và cán bộ địa chính UBND phường Mễ Trì tên Phan Vũ T.L Ảnh: NPV

Như Báo Lao Động đã phản ánh trong loạt phóng sự điều tra: “Cận cảnh việc làm luật, hô biến đất nông nghiệp thành bãi kinh doanh” xảy ra trên địa bàn phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội). Theo đó, các bài viết đăng tải đã "điểm mặt" một số cá nhân, móc nối với công chức địa chính địa phương “hô biến” và “làm luật” trên đất công dưới hình thức “đưa - nhận” phong bì, để được tạo điều kiện và sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích.

Thậm chí các hoạt động vi phạm pháp luật này diễn ra công khai và ngang nhiên đến mức các lô đất trên đường Cương Kiên (phường Mễ Trì) được chia ô, quây tôn và đổ bê tông kiên cố. Sau đó, những mặt bằng này sẽ được giao cho một số cá nhân thuê lại để kinh doanh thu lời bất chính ngay trước mắt các cơ quan chức năng, trong thời gian dài.

Cụ thể, trong bài báo “Bảo kê sai phạm, thất thoát tiền tỉ: Choáng váng cảnh đưa - nhận phong bì” đăng tải ngày 22.6, nhóm PV Báo Lao Động đã ghi hình cận cảnh ông Phan Vũ T.L, Công chức Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) nhận tiền từ một người đàn ông tên L (chủ của hàng loạt các lô đất đang kinh doanh, sử dụng sai phép một cách công khai trên mặt đường Cương Kiên - PV). Sau khi nhận phong bì, cán bộ địa chính này hứa hẹn: “Anh em tạo điều kiện, xử lý cũng báo trước”. Chỉ cần hằng tháng “làm luật” đúng hẹn.

Bài viết cũng chỉ ra hàng loạt những "lỗ hổng" trong quản lý đất đai tại địa phương, dẫn tới việc đất nông nghiệp bị các đối tượng "xẻ thịt" ngay trước mắt cơ quan chức năng, gây thất thoát tài nguyên đất đai, "giúp sức" các đối tượng móc nối thu lời bất chính. Đồng thời cảnh báo, cảnh tỉnh các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường, thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, tránh để xảy ra tham nhũng, tiêu cực theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Lòng vòng đá bóng trách nhiệm"

Đáng ra, sau khi Báo Lao Động phản ánh rõ những sai phạm nêu trên của công chức UBND phường Mễ Trì, thì các cơ quan chức năng quận Nam Từ Liêm phải tiến hành thanh, kiểm tra thực tế các hoạt động trên những khu đất này và làm rõ sai phạm liên quan đến việc quản lý đất đai ở đây.

Tuy nhiên, PV Báo Lao Động đã đặt lịch, làm việc với UBND quận Nam Từ Liêm. Thế nhưng, lãnh đạo quận này chỉ "lòng vòng" trách nhiệm và hứa hẹn sẽ kiểm tra, thông tin đến báo. Sau nửa tháng im lìm, thay vì phản hồi, làm rõ thông tin Báo Lao Động phản ánh, thì Cơ quan chức năng quận Nam Từ Liêm lại "đá bóng" trách nhiệm cho chính cơ quan báo chí.

Cụ thể, ngày 15.7.2022, Đoàn Thanh tra UBND quận Nam Từ Liêm đã ban hành văn bản số 166/ĐTT do Chánh Thanh tra Đỗ Khánh Phương ký, về việc "đề nghị nhóm phóng viên Báo Lao Động cung cấp thông tin và hồ sơ tài liệu". Trong đó nêu rõ "Thực hiện quyết định số 1315/QĐ-UBND ngày 22.6.2022 của Chủ tịch UBND quận về việc thanh tra công vụ công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp tại khu vực đường Cương Kiên theo thông tin phản ánh của Báo Lao Động ngày 22.6.2022. Để thu thập, thông tin, tài liệu làm cơ sở báo cáo kết quả thanh tra, Đoàn Thanh tra được thành lập theo Quyết định số 1315/ QĐ-UBND ngày 22.6.2022, kính đề nghị đồng chí Tổng Biên tập chỉ đạo Nhóm phóng viên về phối hợp tham gia buổi làm việc với Đoàn Thanh tra để cung cấp các hồ sơ, tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung báo nêu".

Không những vậy, văn bản do Chánh Thanh tra Đỗ Khánh Phương ký còn "đá bóng" trách nhiệm khi đề nghị "tham gia buổi làm việc Nhóm phóng viên mang theo giấy tờ tùy thân, các hồ sơ, tài liệu, thông tin là bản sao, kèm bản gốc để đối chiếu trước khi bàn giao thông tin, hồ sơ tài liệu cho Đoàn thanh tra" mà quên đọc các quy định rõ ràng trong Luật Báo chí.

Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 38 Luật Báo chí "cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân, Chánh án Tòa án Nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng".

Mặt khác, mọi thông tin, tài liệu trong thực hiện đề tài là tài liệu của Báo Lao Động, phóng viên chỉ là người được chỉ đạo thực hiện. Ban Biên tập Báo Lao Động chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với thông tin, tài liệu đó.

Như vậy, Đoàn Thanh tra theo Quyết định số 1315/QĐ-UBND của quận Nam Từ Liêm, thay vì sớm thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra và thông báo kết quả vụ việc báo nêu lại yêu cầu phóng viên đến trụ sở, giao nộp tư liệu, tài liệu. Điều này vi phạm các quy định trong Luật Báo chí hiện hành.

Báo Lao Động đề nghị UBND quận Nam Từ Liêm, UBND TP.Hà Nội cần nhanh chóng làm rõ nội dung báo phản ánh và sớm có câu trả lời để rộng đường dư luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn