MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

Việt Hải LDO | 19/11/2020 14:00
Đó là nội dung được các đại biểu thống nhất dự cuộc họp của Ban chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tại Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau nhằm đánh giá sau 2 năm thực hiện Đề án vừa diễn ra tại TP Cần Thơ.

Tín hiệu tích cực từ việc tăng cả lượng và chất

Sau 2 năm triển khai thực hiện, với các giải pháp mang tính đồng bộ, đúng đắn, tác động trực tiếp, hiệu quả vào những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, chất lượng hoạt động nói chung, chất lượng tín dụng nói riêng tại chi nhánh NHCSXH 4 tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau đã có những chuyển biến tích cực, nợ quá hạn được kiềm chế và giảm rõ rệt; tỷ lệ thu lãi tăng cao, đặc biệt nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nhân dân về ý nghĩa và vai trò của tín dụng ưu đãi đã có sự chuyển biến tích cực.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu chỉ đạo cuộc họp.

Đến ngày 31/10/2020 tất cả 4 chi nhánh đã đạt được 5/5 chỉ tiêu định hướng đề ra. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang từ xếp loại yếu, đến nay đã xếp loại khá, tốt. Đối với cấp huyện và cấp xã, tăng số đơn vị xếp loại khá, tốt; giảm số đơn vị xếp loại trung bình, yếu. Đến nay, tại các chi nhánh không còn đơn vị cấp huyện xếp loại yếu; số đơn vị cấp xã xếp loại trung bình, yếu giảm 30%. Công tác quản lý nợ và kiểm tra rà soát trước khi cho vay đạt hiệu quả, các món cho vay mới, tỷ lệ thu lãi đạt bình quân khoảng 96,89%.

Hai năm qua, các địa phương đều tăng trưởng dư nợ theo kế hoạch được giao. Đến 31/10/2020, chi nhánh tỉnh Bạc Liêu có tổng dư nợ đạt 2.143. tỷ đồng, tăng 18%; tổng dư nợ của chi nhánh Sóc Trăng đạt 3.682 tỷ đồng, tăng hơn 13,7%; tổng dư nợ của chi nhánh tỉnh Kiên Giang đạt 3.728 tỷ đồng, tăng hơn 11,8%; tổng dư nợ của chi nhánh tỉnh Cà Mau đạt gần 2.757 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ 2 năm trước.

Đáng chú ý, đến 31/10/2020, ngân sách địa phương ủy thác tại 4 tỉnh đạt gần 533 tỷ đồng, tăng 41% so với thời điểm thực hiện Đề án. Hằng năm, các tỉnh đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao.

Cùng với quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, việc thực hiện Đề án đã làm thay đổi căn bản nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội. Từ đó, việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng không còn là nhiệm vụ của riêng NHCSXH, mà trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị tại cơ sở.

Hướng đến chất lượng ổn định, bền vững

Theo Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng, đạt được kết quả tích cực nêu trên là nhờ có sự đóng góp quan trọng của hệ thống cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Các đại biểu dự cuộc họp.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại khu vực: Chất lượng tín dụng đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa thực sự bền vững, chưa đồng đều ở một số địa phương; chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa đồng đều; hoạt động ủy thác tại một số tổ chức chính trị - xã hội cấp xã có chuyển biến nhưng còn chậm, chưa hiệu quả.

Để thực hiện thành công mục tiêu của Đề án, đồng thời qua đó phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, Tổng Giám đốc yêu cầu 4 đơn vị tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, các Sở, ngành có liên quan thực hiện triệt để, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp; đặc biệt là phát huy vai trò trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong quản lý, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi căn bản và triệt để hơn nhận thức của người dân về quan hệ tín dụng “có vay - có trả”, nâng tỷ lệ tổ viên tham gia tiền gửi thường xuyên để tạo lập nguồn trả nợ, lãi. Thường xuyên phát động các phong trào thi đua, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân cán bộ chuyên trách cũng như cán bộ kiêm nhiệm, phối hợp thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Tại cuộc họp, Ban tổ chức đã công bố quyết định của Tổng Giám đốc NHCSXH khen thưởng cho 23 tập thể có thành tích thực hiện việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng 2 năm qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn