MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc giảm thuế VAT sẽ kích thích người dân tiêu dùng. Ảnh: Cao Nguyên

Tiếp tục giảm thuế VAT 2%, kích cầu tăng trưởng tiêu dùng

Cao Nguyên LDO | 03/07/2024 07:34

Để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2022 đến nay, nước ta chính thức có 4 lần giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Qua 3 lần giảm trước đó, chính sách này được đánh giá cao, mang nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Nhiều tác động tích cực

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30.6.2024 quy định chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29.6.2024 của Quốc hội. Nghị định mà Chính phủ mới ban hành, quy định giảm 2% thuế VAT với một số nhóm mặt hàng sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2024 đến hết ngày 31.12.2024.

Theo Nghị định của Chính phủ, việc giảm 2% thuế suất thuế VAT sẽ được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chia sẻ với PV Lao Động về vấn đề này, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Ngọc Tú - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Thuế (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) - cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc áp dụng giảm thuế VAT là hết sức cần thiết cho người dân, doanh nghiệp.

Đây là động thái tích cực giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Bởi giảm thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng, việc được giảm thuế sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc được giảm 2% thuế VAT đối với nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị… cũng giúp chi phí đầu vào sản xuất giảm, doanh nghiệp có dư địa giảm giá sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Người dân hưởng lợi, doanh nghiệp tăng sức

Vui mừng khi chính sách giảm thuế VAT chính thức được gia hạn, chị Nguyễn Thị Bích - chủ một siêu thị trên đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, việc giảm thuế VAT dù không phải là con số lớn nhưng khiến người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ phấn khởi.

Theo chị Bích, khi Chính phủ liên tiếp có chính sách giảm thuế VAT, người bán hàng sẽ được lợi vì thuế giảm thì hàng hóa cũng giảm, từ đó kích thích nhu cầu mua sắm của người dân. “Qua 2 năm áp dụng chính sách giảm thuế VAT, số lượng hàng hóa bán ra tại cửa hàng của chúng tôi tăng cao hơn” - chị Bích nói thêm.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh đánh giá, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp.

Trong đó, chính sách về miễn giảm thuế VAT 2% giúp không chỉ doanh nghiệp mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi, bởi việc giảm thuế sẽ giúp tăng sức mua trong dân, từ đó doanh nghiệp tăng lượng hàng bán ra, quay trở lại đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Các chuyên gia cho rằng, nếu nhìn trước mắt, câu chuyện thuế giảm kéo đến giảm thu ngân sách là hiện hữu. Tuy nhiên, về lâu dài, đây lại là giải pháp căn cơ mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ tích cực cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào. Từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.

Dự kiến giảm thu ngân sách cuối năm khoảng 24.000 tỉ đồng

Với việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT thêm 6 tháng dự kiến làm giảm thu ngân sách nửa cuối năm nay khoảng 24.000 tỉ đồng (tương đương 4.000 tỉ đồng một tháng). Tính chung, cả năm 2024, ngân sách ước tính giảm gần 47.500 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn