MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu dự Hội nghị thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 tham quan khu di tịch bãi cọc được tìm thấy tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: M.H

Tiếp tục nghiên cứu về bãi cọc cổ ở Thủy Nguyên, Hải Phòng

Mai Chi LDO | 29/09/2020 19:05
Theo các nhà khoa học, việc phát hiện bãi cọc cổ ở Thủy Nguyên, Hải Phòng là một trong những sự kiện nổi bật của ngành khảo cổ học thời gian qua. Tuy nhiên, cũng theo giới khảo cổ học, việc xác định niên đại của bãi cọc vẫn đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.

Ngày 29.9, tại Hải Phòng, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 năm 2020.

Theo Ban tổ chức Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 55 – năm 2020 đã nhận được 341 bài, trong đó có 105 bài về khảo cổ học tiền sử; 166 bài khảo cổ học lịch sử, 48 bài khảo cổ học Champa – Óc Eo, 16 bài khảo cổ học dưới nước và 6 bài về các hoạt động chung của cơ quan nghiên cứu khảo cổ. Trong số này, những phát hiện khảo cổ học về các bãi cọc cổ mới được phát hiện trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng thực sự là sự kiện nổi bật trong ngành khảo cổ học thời gian qua, có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, giáo dục.

Các đại biểu tham dự Hội nghị thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55 - năm 2020 ngày 29.9 tại Hải Phòng - ảnh MH

Trước đó, vào cuối năm 2019, từ phát hiện ban đầu của người dân, Viện Khảo cổ học đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức khai quật, phát hiện được 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc và 4 hố đất đen. Các cọc này xuất lộ ở độ sâu khá tương đồng. Cọc được đóng, chôn trong khu vực chứa nhiều bùn cát mịn, mang tính chất địa tầng của trầm tích lòng sông và ven bờ, có kích thước không đều nhau, loại nhỏ từ 10-18cm, loại lớn từ 28-32cm, đặc biệt có cọc đường kính từ 37-40cm. Các cọc chủ yếu làm bằng gỗ sến nhựa và lim.

Việc phát hiện 2 bãi cọc hiện vẫn có nhiều luồng ý kiến từ các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khảo cổ học.

Theo đó, tại Hội nghị thông báo khảo cổ học năm 2020 ngày 29.9, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Phạm Văn Đức cho rằng, với những kết quả nghiên cứu khảo cổ học và nghiên cứu liên ngành, bước đầu các nhà khoa học xác định, hai bãi cọc gỗ tại cánh đồng Cao Quỳ thuộc địa bàn xã Liên Khê và khu vực Đầm Thượng thuộc xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng là khu di tích thuộc chiến trường Bạch Đằng của quân dân nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên - Mông năm 1288.

Tuy nhiên, TS.Bùi Văn Hiếu – PGĐ Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học dưới nước (thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho rằng, các thông tin xung quan bãi cọc cổ mới phát hiện còn cần các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, nhằm làm rõ hơn đặc điểm và chức năng của các bãi cọc cổ này.

Bãi cọc cổ tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng được bảo tồn. Ảnh: PV

Trước đó, vào tháng 5.2020, TP.Hải Phòng tổ chức khởi công xây dựng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, dự kiến khánh thành vào cuối năm 2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn