MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiểu thương chợ Siêu thị Đà Nẵng buôn bán ế ẩm nhưng giá thuê gian hàng liên tục tăng. Ảnh: Trần Thi

Tiểu thương chợ Siêu thị Đà Nẵng bán không được, thuê không xong

TRẦN THI LDO | 03/11/2023 13:48

Ngồi từ sáng đến chiều chỉ có vài người mua, tiền thuê mặt bằng thì sắp tăng gấp đôi khiến nhiều tiểu thương chợ Siêu thị Đà Nẵng, đường Điện Biên Phủ (phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) than trời vì khó khăn. Họ buôn bán không được nhưng nay gian hàng bán cũng có khi khó thuê được vì giá thuê tăng.

Buôn bán ế ẩm nhưng giá thuê tăng liên tục

Chợ Siêu thị Đà Nẵng do Công ty TNHH MTV chợ Siêu thị Đà Nẵng đầu tư, hiện có khoảng 500 tiểu thương đang thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ. Họ là các tiểu thương từ các chợ giải tỏa, được vận động di dời về kinh doanh buôn bán tại đây. Thời gian đó lãnh đạo thành phố đã hứa sẽ ổn định việc kinh doanh, buôn bán và đảm bảo giá thuê mặt bằng giống các chợ truyền thống khác trên địa bàn.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến hết năm 2022, mức giá mặt bằng ở tầng trệt của nơi này tăng 60%. Từ đầu năm 2023, mức giá tiếp tục tăng thêm 40%. Cụ thể, giá thuê mặt bằng được phê duyệt tại chợ Siêu thị Đà Nẵng do doanh nghiệp đầu tư khai thác là 360.000 đồng/m2/tháng, trong khi đó tại các chợ truyền thống do nhà nước đầu tư giá thuê mặt bằng chỉ 180.000 đồng/m2/tháng. Song, chủ đầu tư tiếp tục đề xuất phương án mức giá mới, có nơi là 680.000 đồng/m2/tháng. Điều này khiến nhiều tiểu thương tại đây lo lắng vì có thể đóng cửa gian hàng.

Bà Trương Thị Bích Vân - tiểu thương chợ Siêu thị Đà Nẵng cho hay, vào ngày 4.11 tới, nếu các tiểu thương không thanh toán tiền mặt bằng theo mức giá mới, chủ đầu tư sẽ cắt điện và buộc đóng cửa gian hàng.

“Việc buôn bán tại chợ là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi, nếu phải đóng cửa thì tôi mất đi nguồn kinh tế. Nhưng thời gian qua buôn bán ế ẩm, lợi nhuận không đủ chi trả tiền mặt bằng với mức giá mới” - bà Vân cho hay.

Nhiều quầy hàng đã đóng cửa vì không chịu nổi tiền thuê mặt bằng. Ảnh: Trần Thi

Bà Mai Thị Hồng - tiểu thương quầy hàng vải may mặc bật khóc khi nhắc đến chuyện giá thuê mặt bằng tăng cao. Bà Hồng cho hay, mỗi ngày bà chỉ bán được 100.000-300.000 đồng tiền hàng, có hôm không bán được gì. Việc giá thuê mặt bằng tăng lên liên tục trong 2 năm với mức quá cao đã khiến nhiều tiểu thương tại chợ tự đóng cửa gian hàng chứ chẳng cần đợi đến lúc chủ đầu tư buộc đóng.

Buôn bán ế ẩm do vị trí không còn thuận lợi, chợ cóc mọc lên khắp nơi

Dọc các lối đi vào chợ những ngày này, nhiều tiểu thương chỉ ngồi xem phim hay chơi game trên điện thoại vì vắng khách. Khu vực kinh doanh bán rau củ, gia vị… tại tầng 1 là nơi thuận tiện để người dân ghé mua vào mỗi giờ cao điểm. Thế nhưng cũng chỉ có 2-3 khách ra vào lúc trưa hoặc tan tầm.

Bà Nguyễn Mai Vy - tiểu thương quầy gia vị tại chợ kể: “Khu chợ càng ngày càng vắng vẻ, chúng tôi chỉ biết nhìn nhau vì không ai bán được gì. Tôi cũng mong thành phố sớm có những phương án về giá thuê mặt bằng cũng như có biện pháp với những gian hàng tự phát xung quanh chợ để các tiểu thương có thể yên tâm buôn bán”.

Các mặt hàng tại tầng 2 như áo quần, giày dép… có quầy 2-3 ngày không bán được gì. Nhiều quầy hàng phải đóng cửa vì không đủ khả năng chi trả tiền mặt bằng, có những dãy đóng cửa hàng loạt 3-4 ki-ốt, các tiểu thương ở đây phải trưng bày thêm sản phẩm trước các hàng đóng cửa để chợ đỡ vắng vẻ.

Theo tiểu thương tại đây, việc kinh doanh ế ẩm là do giao thông không thuận tiện từ khi có hầm chui Điện Biên Phủ; việc mua bán hàng online sau dịch COVID-19 nở rộ và việc quản lý của cơ quan chức năng đối với các mặt hàng kinh doanh tự phát, chợ cóc xung quanh chợ, khách đến thì chỉ mua phía bên ngoài, không vào trong.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn