MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình hình kinh doanh tại chợ truyền thống ảm đạm dip gần Tết. Ảnh: Ngọc Lê

Tìm cách vực dậy chợ truyền thống

NGỌC LÊ LDO | 24/01/2024 10:46

Hiện đang vào mùa cao điểm mua sắm, nhưng tại các chợ trên địa bàn TPHCM lại lâm vào cảnh ế ẩm chưa từng có. Nguyên nhân đến từ việc kinh doanh thương mại điện tử phát triển trong khi đó, chợ truyền thống lại chậm chuyển đổi.

Tiểu thương ngại chuyển đổi số

Bà Nguyễn Thụy Bảo Trân là một trong những tiểu thương được các nhà sáng tạo nội dung hỗ trợ livestream (phát trực tiếp) bán hàng trong dịp tháng 12.2023 tại chợ Bến Thành (Quận 1). Sau hơn 1 tháng tham gia trải nghiệm này, bà Trân cho hay, sẽ không bán hàng qua livestream vì thích kinh doanh truyền thống.

“Tôi sẽ tiếp tục bán hàng theo hình thức truyền thống vì cũng lớn tuổi nên các thao tác thiết bị điện tử sẽ khó khăn hơn. Ngoài ra, việc livestream sẽ khiến người mua không đến chợ khiến chợ càng vắng hơn" - bà Trân cho hay.

Đây cũng là tâm lý chung của các tiểu thương tại các chợ truyền thống khác trên địa bàn TPHCM như chợ Tân Định (Quận 1), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Xóm Chiếu (Quận 4)…

Theo bà Hoàng Thị Sen - tiểu thương kinh doanh quần áo tại chợ Bà Chiểu cho biết, hiện chợ truyền thống chủ yếu phục vụ cho người trung niên, cao tuổi vì người trẻ không mặn mà. Lý giải việc không tiếp cận kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, bà Sen cho rằng, việc này phải có thời gian đầu tư và quảng bá.

“Nhiều người chọn mua sắm qua kênh thương mại điện tử vì có mức giá rẻ và tiện lợi nên hoạt động mua bán tại chợ truyền thống bị giảm sút, thu hẹp. Thêm vào đó, kinh tế khó khăn, khiến sức mua sụt giảm nghiêm trọng, tình trạng ế ẩm kéo dài suốt cả năm qua” - bà Sen cho hay.

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng ghi nhận tình hình kinh doanh tại các chợ truyền thống, các tiểu thương đều cho biết, sức mua vẫn đang ở mức thấp, thậm chí ế ẩm ngày chỉ bán được vài món hàng. Việc này cho thấy, thói quen mua sắm của người dân đang dần thay đổi và đòi hỏi tiểu thương phải chuyển đổi cách tiếp cận với khách hàng.

Để giúp các tiểu thương kinh doanh tốt hơn, phía ban quản lý các chợ truyền thống cũng thường xuyên tuyên truyền người bán tìm nguồn hàng chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, mức giá rẻ và giữ thái độ thân thiện, vui vẻ để kéo khách.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Trưởng ban Quản lý chợ An Đông cho biết: “Các tiểu thương có sự khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ vào kinh doanh, việc này cần có thời gian để họ thay đổi từ từ. Ban quản lý sẽ có những buổi kết nối tiểu thương với các nhà sáng tạo nội dung để họ có thể biết cách quảng bá sản phẩm của mình.

Ngoài ra, Ban quản lý sẽ có các buổi tập huấn hướng dẫn các tiểu thương để thay đổi cách chăm sóc khách hàng tốt hơn. Đồng thời, các sản phẩm bày bán phải hấp dẫn, niêm yết mức giá hợp lý và chất lượng tốt”.

Một số tiểu thương chợ truyền thống ở TPHCM đã tiếp cận việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Ngọc Lê

Vực dậy chợ truyền thống

Theo các chuyên gia, chợ truyền thống có nhiều ưu điểm hơn so với các sàn thương mại điện tử là có sự tương tác trực tiếp giữa người mua và người bán.

Đồng thời, chợ truyền thống có giá trị lịch sử và vẫn đáp ứng được nhu cầu của một số đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, để chợ truyền thống có sức hút trở lại đòi hỏi cần có sự thay đổi từ diện mạo, hàng hoá, cách buôn bán…

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam - cho rằng, khách hàng đang dần thay đổi cách mua sắm và có hàng triệu nhà cung cấp hàng hoá trên các nền tảng. Do đó, tiểu thương, người kinh doanh truyền thống cần suy nghĩ về các giải pháp mới để đem lại hiệu quả ngay lập tức. Việc này đòi hỏi sự sáng tạo, nỗ lực của tiểu thương để thay đổi.

“Hiện đang có nhiều chương trình về chuyển đổi số nhưng những đối tượng bị tác động trực tiếp vẫn chưa nhận thức rõ. Vì vậy, chúng tôi đang làm việc với chính quyền TPHCM, các hiệp hội để thực hiện việc đào tạo trong năm 2024 về nâng cao kỹ năng số cho bà con tiểu thương. Thông qua việc này, giúp người kinh doanh truyền thống nghĩ về thương mại điện tử như một giải pháp để mở rộng kênh bán hàng” - ông Lâm Thanh chia sẻ.

Ngoài nỗ lực của người bán và ban quản lý các chợ, phía chính quyền TPHCM cũng đã có nhiều phương án giúp tiểu thương quảng bá, bán sản phẩm để nâng cao hiệu quả của chợ truyền thống. Theo Sở Công Thương TPHCM, chuyển biến của chợ truyền thống đối với xu hướng nhu cầu tiêu dùng hiện đại là rất chậm.

Việc kinh doanh trực tuyến phát triển mạnh cùng với những kênh mua sắm hiện đại là một trong những yếu tố khiến mãi lực của chợ truyền thống sụt giảm.

Bên cạnh đó, việc buôn bán tự phát xung quanh chợ cũng ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của các chợ truyền thống hiện nay.

Dự kiến, Sở Công Thương TPHCM sẽ hướng dẫn thương nhân kinh doanh hàng hóa qua mua bán trực tuyến. Đồng thời, sẽ khảo sát nhu cầu của thương nhân để giúp họ tiếp cận nguồn hàng chất lượng cũng như giảm kinh phí để từ đó giảm giá sản phẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn