MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phan Đình Hồng - Chủ tịch CĐCS Công ty CP An Hưng (Phú Yên), sau nghỉ hưu công ty mời ông tiếp tục ở lại làm việc và vẫn được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn. Ảnh: P.L

Tìm chọn việc làm mình thích sau tuổi nghỉ hưu

Phương Linh LDO | 03/01/2022 10:24
Cùng với xu thế chọn nghỉ hưu trước tuổi thì ngày càng nhiều người tìm chọn việc làm mình thích sau tuổi nghỉ hưu. Nghỉ để sống cho niềm đam mê làm việc mình yêu thích là điều nhiều lao động lớn tuổi đang làm.

Nghỉ hưu nhưng không nghỉ làm việc          

Chị Nguyễn Thị Loan (58 tuổi, trú P.Phương Sài, TP.Nha Trang) vốn là giáo viên mầm non có 32 năm công tác. Chị nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ năm 2019, tuy nhiên không chọn cách nghỉ ngơi như nhiều người chị Loan chọn công việc tư vấn bảo hiểm để tiếp tục lao động. Chị Loan cho biết: “Trước lúc nghỉ hưu theo tuổi tôi đã tìm kiếm một công việc phù hợp để làm việc bởi thấy sức khỏe mình còn tốt và quan trọng hơn là không muốn cuộc sống về già của mình không chỉ quanh quẩn bốn bức tường. Không tiếp tục với nghề giữ trẻ bởi đã gắn bó quá lâu, công việc tư vấn bảo hiểm tôi thấy phù hợp vì kinh nghiệm sống và tính cách thích giao lưu được phát huy. Không hẳn là có thêm thu nhập ngoài lương hưu mà tôi còn được gặp gỡ, được tiếp xúc và cập nhật nhiều điều từ thực tế giúp mình sống vui vẻ, tinh thần minh mẫn hơn, hoạt bát hơn”.

Cùng suy nghĩ “nghỉ hưu nhưng không nghỉ  lao động”, bà Nguyễn Thị Thanh Nga (63) tuổi vốn là công nhân chế biến thủy sản. Sau khi nghỉ hưu, vì bệnh nghề nghiệp bà tìm đến môn nhảy để cải thiện tình trạng bệnh xương khớp. Từ học để chữa bệnh bà Nga thấy yêu thích, học nâng cao lên và trở thành giáo viên dạy nhảy cho rất nhiều người lớn tuổi. Bà Nga chia sẻ: “7 năm sau tuổi nghỉ hưu tôi vẫn lao động với nghề mới. Thu nhập từ dạy nhảy không chỉ giúp tôi vững hơn về kinh tế cho tuổi già mà còn giúp tôi mở rộng nhiều mối quan hệ xã hội, hạn chế được những bệnh của người lớn tuổi. Quan trọng hơn tôi thấy tuổi già mình hạnh phúc, cuộc sống có giá trị hơn”.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa đến nay toàn tỉnh có 33.616 người đang hưởng lương hưu, chiếm hơn 0,4% dân số. Đây là lực lượng lao động gần như chưa được tính đến trong các chính sách về lao động hiện nay của địa phương. Với ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch vì thế nâng cao chất lượng lao động trẻ vẫn đang là điều mà địa phương này tập trung. Trong khi đó, có rất nhiều ngành nghề có thể tận dụng nhóm lao động lớn tuổi mà thực tế Khánh Hòa đang sử dụng như: Chế tác mỹ nghệ, dịch vụ vệ sinh gia đình, dịch vụ chăm sóc trẻ, dịch vụ chăm sóc cây xanh…

Tận dụng kinh nghiệm của lao động lớn tuổi

Không chỉ trong lĩnh vực lao động sản xuất và trong lĩnh vực hành chính, nhân sự, công đoàn nhiều lao động lớn tuổi vẫn đang được các doanh nghiệp mời ở lại làm việc. Ông Phan Đình Hồng - Chủ tịch CĐCS Công ty CP An Hưng (Phú Yên), nguyên Trưởng phòng công nghệ nghỉ hưu theo chế độ năm 2019. Sau nghỉ hưu công ty mời ông tiếp tục ở lại làm việc và vẫn được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn. Ông Hồng cho biết: “Sức khỏe tôi còn, doanh nghiệp giữ lại đúng vị trí việc làm nên không có gì khó khăn để tiếp tục làm việc. Vừa được giữ nguyên lương, bản thân có lương hưu, doanh nghiệp không phải lo bảo hiểm nữa nên cần khuyến khích nhóm lao động này tiếp tục làm việc nhất là trong thời điểm cần lao động”. Hiện nay tại doanh nghiệp An Hưng có khoảng 10 lao động từ lãnh đạo cấp cao, tổ trưởng tổ may, công nhân có thâm niên đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm việc.

Bà Võ Xuân Bình - nguyên Trưởng phòng Hành chính - trị sự Báo Khánh Hòa, sau khi nghỉ hưu chuyển sang làm phóng viên Tạp chí Sức khỏe và Môi trường cho rằng: “Cơ hội để lao động nhóm cao tuổi tiếp tục làm việc không nhiều. Trong khi đó làm việc giảm tốc độ lão hóa, có mối quan hệ giao lưu bên ngoài xã hội và có thêm nguồn thu nhập là rất cần thiết. Vì vậy bên cạnh xây dựng các chính sách phát triển lao động trẻ cũng cần xây dựng chính sách cho lao động lớn tuổi phát huy giá trị. Lao động nhóm này kinh nghiệm sẽ hỗ trợ thành thạo trong công việc, họ làm việc với tâm thái thoải mái, không bị áp lực nên hiệu quả công việc luôn ổn định”.

Theo ông Hồ Văn Lộc - Phó Chủ tịch Công đoàn KKT-KCN Khánh Hòa - lao động trên 45 tuổi chiếm hơn 20% lực lượng lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp trên địa bàn. Đối với lực lượng lao động lớn tuổi hầu như chưa có doanh nghiệp nào tổ chức tuyển dụng mới. Tại một số doanh nghiệp lao động lớn tuổi, có thâm niên sẽ bố trí các công việc phù hợp chờ đến tuổi về hưu.

“Nhóm lao động lớn tuổi có thể không phù hợp với lao động trực tiếp tuy nhiên với một số công việc gián tiếp thì nhóm lao động này vẫn phát huy tốt. Vì thế cần có chính sách tạo điều kiện cho lao động lớn tuổi tham gia thị trường lao động, có cơ hội cạnh tranh. Kinh nghiệm chính là vốn quý không thể thay thế của nhóm lao động này vì thế đối với những ngành đòi hỏi chuyên môn cao hay những công việc hành chính, gián tiếp thì nên xây dựng chọn vị trí việc làm phù hợp để tận dụng nguồn lao động này”- ông Lộc nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn