MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người cao tuổi vẫn mong muốn được tiếp tục tham gia vào thị trường lao động. Ảnh: Lương Hạnh

Tìm công việc phù hợp cho người lao động cao tuổi

LƯƠNG HẠNH LDO | 22/12/2021 10:10
Việt Nam hiện có 7,4 triệu người trên 65 tuổi, chiếm 7,7% tổng dân số; dự báo đến năm 2050 sẽ tăng lên 22,3 triệu (chiếm tỉ lệ 20,4% dân số). Thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tại Hội thảo Quốc tế Già hóa Năng động, Sáng tạo và Ứng dụng Công nghệ trong Chăm sóc Người cao tuổi ASEAN. Trong đó, có rất nhiều người cao tuổi mong muốn tìm kiếm việc làm, quay trở lại thị trường lao động.

Nhiều người cao tuổi cần việc làm 

Bà Nguyễn Thị Đông (SN 1956, quê Nghệ An) có hoàn cảnh rất khó khăn khi chồng mất sớm, một mình nuôi 5 con. Bà phải rời quê hương ra Hà Nội, xin đi làm giúp việc. Sau đó, bà được giới thiệu làm dọn dẹp vệ sinh cho một khách sạn tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm. Bà làm công việc này đã được 6 năm liên tục.  

Ở tuổi 65, bà Đông chia sẻ các con bà không muốn mẹ vất vả nhưng bà Đông không muốn trở thành gánh nặng cho các con nên tiếp tục đi làm.

“Tôi muốn tự lo tiền an dưỡng tuổi già nên chọn đi làm. Công việc này tôi được một người quen giới thiệu” - bà Đông nói. 

Theo ông Lê Quang Trung - Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số. “Khoảng 20-25 năm tới, con số này tiếp tục tăng cao 25%, tức là cứ 4 người thì sẽ có một người già. Điều này đặt ra nhiều vấn đề xã hội do việc già hóa dân số. Do đó, chúng ta phải tận dụng, phát huy nguồn nhân lực từ người cao tuổi”, ông Trung nhận định.

Ông Trung đưa ra các thế mạnh của người cao tuổi như: Có kinh nghiệm trải qua thực tế nghề nghiệp, hiểu biết và chấp hành pháp luật, kỷ luật tốt. Những người cao tuổi thường mong muốn được tiếp tục đóng góp cho xã hội. Hơn nữa, sự thương thảo giữa người lao động và người sử dụng lao động cũng rất thuận lợi.

Ông Trung cho biết: “Qua khảo sát của tôi ở trong nước, các doanh nghiệp rất mong muốn sử dụng người cao tuổi. Họ biết rằng người cao tuổi nhiều lợi thế, giúp giảm chi phí của doanh nghiệp, ít nguy cơ tai nạn lao động hơn những nhóm lao động trong độ tuổi khác”.

Chính sách, chương trình đối với việc làm người cao tuổi là rất cần thiết

Được biết, hiện nay ở các địa phương, rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng lao động là người cao tuổi. Ông Trung nhấn mạnh việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình đối với việc làm người cao tuổi là rất cần thiết và cấp bách.

Theo ông Trung, kinh nghiệm của các nước trên thế giới để lại bài học cho Việt Nam. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước phát triển đã có những chính sách riêng dành cho người cao tuổi. Hàn Quốc đã có chương trình làm “màn 2 cuộc đời”. Chính phủ nước này đã hình thành chính sách đánh giá, tìm hiểu người lao động sắp bước vào độ tuổi của người cao tuổi, xây dựng các sàn giao dịch việc làm dành riêng cho người cao tuổi, hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp nhận người cao tuổi vào làm việc…

“Để người cao tuổi quay lại thị trường lao động và để doanh nghiệp có điều kiện sử dụng người cao tuổi thì cần rà soát chính sách, pháp luật cho cả hai bên, giữa người lao động và người sử dụng lao động”, ông Trung nhận định. 

Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng người cao tuổi như: Thuế, giảm chi phí đóng góp từ người cao tuổi… Đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động với người cao tuổi. Đẩy mạnh công tác tư vấn việc làm, hỗ trợ người cao tuổi tìm việc làm. Tổ chức các sàn giao dịch việc làm dành riêng cho người cao tuổi. Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới hỗ trợ cho người cao tuổi vào làm việc.

Ông Trung bày tỏ cần có các dự án khuyến khích người cao tuổi quay trở lại thị trường lao động, cụ thể: Cần tìm hiểu nhu cầu, khả năng, nguyện vọng của từng người cao tuổi. Đánh giá năng lực của họ. Sau đó, nếu cần bổ túc thì phải đào tạo lại xem họ có những gì, cần những gì để sắp xếp vị trí làm việc cho hợp lý…

Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cho rằng, “Luật pháp không cấm tuổi tác để làm việc. Để có thể tận dụng nguồn lao động này, quan trọng nhất là việc kết nối giữa người sử dụng lao động với người lao động”.

Theo ông Huân, nhu cầu thị trường yêu cầu ra sao thì cần đáp ứng theo như vậy. Ví dụ, công việc không đòi hỏi yêu cầu về sức khỏe cao, cường độ công việc áp lực như bảo vệ thì hoàn toàn có thể phù hợp với điều kiện của người cao tuổi.

“Tìm công việc phù hợp với sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất với người cao tuổi. Qua đó, có thể tận dụng được nguồn lao động này” - ông Huân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đưa ra đầy đủ thông tin, yêu cầu công việc, tình trạng sức khỏe, độ tuổi… cho những bộ phận cần người cao tuổi tham gia làm việc. Từ đó, người cao tuổi cũng sẽ tìm được vị trí công việc phù hợp với sức lực, điều kiện, hoàn cảnh của họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn