MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hành trang mà liệt sĩ Phạm Văn Bình mang về quê hương là những vết thương.

Tìm được “liệt sĩ sống” nhờ mạng xã hội Facebook

ANH ĐỨC LDO | 08/11/2018 14:58
Sau 25 năm nhận được giấy báo tử, gia đình liệt sĩ Phạm Văn Bình hết sức vui mừng vì biết ông còn sống nhờ mạng xã hội Facebook.

39 năm trước, người thân ông Phạm Văn Bình mất tin khi ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Đến năm 1993, gia đình nhận được giấy báo tử do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh gửi. Nội dung giấy báo tử cho biết, ông Bình đã mất tin khi chiến đấu và được xác nhận là liệt sĩ. Thế nhưng nhờ mạng Facebook, gia đình ông Bình được biết ông còn sống.

Di ảnh của ông Bình được gia đình thờ mấy chục năm qua.

Nguồn tin trên Facebook là ông Nhật Dũng, ông có một công ty caosu ở Campuchia. “Một lần vô tình thấy ông Bình nói tiếng Việt nên tôi hỏi chuyện và biết được quê của ông, sau đó tôi đăng thông tin trên Facebook để tìm người thân cho ông, vì ông không còn nhớ chính xác địa chỉ” - ông Dũng cho biết.

Biết được thông tin đó, những người thân đã liên lạc với anh Dũng để xác minh thông tin.

Giấy báo tử của ông Bình mang số 53/CSVT, được BCH Quân sự Hà Tĩnh cấp ngày 9.3.1993

Ông Phạm Trung Hiếu (54 tuổi) - là người đại diện gia đình sang Campuchia - cho biết:  “Ngày 10.10, đứa con của ông ở TP.Hồ Chí Minh gọi điện về nói rằng có thông tin trên Facebook nói về người chú của ông đang sinh sống ở Campuchia, tìm cách liên hệ với người thân ở Việt Nam để tìm về quê”.

Hành trang mang về quê hương là những vết thương.

Thông qua ông Dũng, xác nhận ông Bình đúng là người chú đã mất tin từ năm 1979, ông Hiếu đã báo cáo thông tin lên chính quyền xã và huyện. Ngày 1.11, ông Hiếu cùng em trai lên đường sang Campuchia để đón ông Phạm Văn Bình về quê nhà.

Vào sáng nay (8.11), sau 39 năm mất tin, 25 năm gia đình nhận giấy báo tử, ông Bình chính thức về quê nhà ở thôn Mỹ Lợi, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ông xúc động cho biết: “Sau khi bị địch bắn bị thương ở tay, chân và đầu, tôi bị hôn mê. Sau khi tỉnh lại, tôi bò xuống ruộng uống nước thì người dân tộc ở Campuchia phát hiện và hô lớn: 'Bộ đội Việt Nam bị thương' rồi đưa tôi về cưu mang” - ông Bình cho hay.

Niềm vui của gia đình, làng xóm, bạn bè khi ông Bình trở về quê

Tại đất nước Campuchia, thỉnh thoảng ông vẫn nhớ về quê hương, nhưng không có giấy tờ và trí não lúc nhớ lúc không. Ông Bình cho biết thêm: “Ở đó, tôi đi phụ hồ, sống cùng bà con dân tộc, nay vẫn không có điện để sinh hoạt, hiện tôi đã có con gái 10 tuổi. Tôi trở về đây thu xếp, rồi sẽ đưa vợ con về Việt Nam sinh sống”.

Hiện ông Bình đã có vợ và một người con gái 10 tuổi tại Campuchia

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Ngọc - Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) - xác nhận,  ông Phạm Văn Bình (SN 1954, trú thôn Mỹ Lợi, xã Kỳ Sơn) vừa trở về nhà sau 39 năm nhận giấy báo tử. Theo ông Ngọc, ông Bình được công nhận liệt sĩ cách đây mấy chục năm.

“Người thân của ông Bình được hưởng chế độ tuất liệt sĩ từ nhiều năm. Sau đó, mẹ của ông mất nên chế độ này bị cắt và hiện nay, người thân của ông được hỗ trợ 500 nghìn đồng/năm tiền hương khói” - ông Ngọc cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn