MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân khu vực chồng lấn ĐGHC giữa Quảng Nam và Kon Tum không xảy ra tranh chấp đất đai bởi có quan hệ rất gần gũi, thân tình. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Tìm lời giải cho hàng nghìn dân mắc kẹt ở vùng chồng lấn địa giới Quảng Nam - Kon Tum

Hoàng Bin LDO | 25/06/2024 06:30

Vốn quen với đêm tối bao trùm cả làng, nên chỉ một thay đổi nhỏ từ ánh điện lóe lên ở vài ngôi nhà chạy điện bằng turbin dưới suối, cũng đủ khiến người dân ở khu vực chồng lấn địa giới hành chính giữa Quảng Nam và Kon Tum hân hoan. Họ bắt đầu mơ về ngày đổi thay thực sự, không còn phận “sống gửi” trên đất Kon Tum...

Không để người dân chịu thiệt

Vài năm gần đây, nhờ đường sá được cải tạo, người dân thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có điều kiện để mang các sản vật từ rừng ra chợ bán. Một số hộ dân bắt đầu có điện thắp sáng, từ các tuabin nước nhỏ lắp dưới dòng chảy của những con suối.

Ông Trần Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Trà Vinh trăn trở, hiện ở thôn này có 238 hộ với 1.034 nhân khẩu, chiếm gần 50% dân số của xã nhưng tỉ lệ hộ nghèo chiếm đến 70%.

Thôn 3 có 1 điểm Trường Tiểu học và 1 điểm Trường Mầm non giảng dạy cho hơn 50 học sinh người đồng bào. Cả 2 điểm trường được xây dựng tạm bợ, nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương, dạy lớp mầm non tại thôn 3 tâm sự: “Điều kiện học tập ở đây rất thiếu thốn, không điện, không nước sinh hoạt”.

Do vướng mắc về địa giới hành chính (ĐGHC), nên chính quyền 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum không thể dùng ngân sách công đầu tư hạ tầng thiết yếu ở thôn 3, Trà Vinh.

Đầu năm 2024, UBND xã Trà Vinh đã kêu gọi từ nguồn xã hội hóa tài trợ xây dựng mới điểm trường tiểu học với kinh phí 700 triệu đồng và cầu treo dân sinh dẫn vào thôn 3 với kinh phí 60 triệu đồng, thay thế những công trình tạm bợ, đã xuống cấp. Khi công trình cầu treo và trường tiểu học đang thi công thì bị phía tỉnh Kon Tum buộc dừng.

Đi tìm lời giải

Theo hồ sơ được xác lập theo Chỉ thị 364 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) thì ngoài 238 hộ, 1.034 khẩu (100% là dân tộc thiểu số) của xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam đang sinh sống trên vùng chồng lấn ĐGHC với xã Đăk Nên, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Quảng Nam còn có 97 hộ dân (100% là người dân tộc Kor) của thôn 1, xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My nằm trong khu vực chồng lấn ĐGHC với xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

“Việc giải quyết vấn đề chồng lấn ĐGHC là việc của cấp ủy Đảng và chính quyền của 2 địa phương, nhưng cuộc sống người dân cần phải được đảm bảo những yêu cầu tối thiểu nhất” - ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nêu quan điểm.

Trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nguyên nhân dẫn đến 2 xã thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam bị chồng lấn ĐGHC với Quảng Ngãi và Kon Tum là do trong quá trình thi công hồ sơ, bản đồ ĐGHC, Xí nghiệp Trắc địa 204 thuộc Tổng Cục địa chính đã đo vẽ bản đồ bằng phương pháp chuyển vẽ nội nghiệp trong phòng và không tiến hành kiểm tra tại thực địa.

Theo ông Hồ Quang Bửu - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cùng với việc khảo sát thực địa, chính quyền các địa phương đã trưng cầu ý kiến người dân vùng chồng lấn ĐGHC.

“Từ thực tế quản lý cùng nguyện vọng của nhân dân khu vực có vướng mắc về ĐGHC, tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị lên Bộ Nội vụ điều chỉnh hơn 3.001ha diện tích có 238 hộ dân xã Trà Vinh sinh sống, thuộc địa phận của xã Đắk Nên về xã Trà Vinh; điều chỉnh ĐGHC hơn 789ha khu vực có 97 hộ của thôn 1, xã Trà Giáp đang sinh sống trên địa phận xã Trà Thanh, về xã Trà Giáp quản lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn