MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tìm nguyên nhân quýt hồng Lai Vung chết hàng loạt

Lục Tùng LDO | 03/01/2020 10:59

Trước diễn biến cây chết đột ngột, liên tục trên diện rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều chủ vườn quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) bày tỏ mong muốn được công bố dịch bệnh để có chính sách hỗ trợ, xử lý. Nhưng sau nhiều tháng trôi qua, mong muốn này vẫn chưa được toại nguyện.

Về Long Hậu, Tân Thành, Tịnh Thới – những địa phương có diện tích trồng quýt hồng lớn và lâu đời nhất huyện Lai Vung, chúng tôi nghe nhiều nhà vườn than thở về nạn cây quýt hồng chết vượt tầm kiểm soát. Không chỉ tấn công người mới vào nghề, mà còn khiến các “lão nông tri điền” và các kỹ sư nhiều năm gắn bó với loại cây này cũng "thất thủ".

Quýt sau khi chết được đốn hạ thành củi. Ảnh: LT

Là người có diện tích trồng 10ha quýt hồng, quy mô lớn nhất nhì xã Tân Thành (Lai Vung) nhưng hơn năm nay gia đình anh Nguyễn Thành Nguyên đang khốn đốn trước nạn quýt hồng chết đột ngột. Sau thời gian ban đầu tự điều trị không khỏi, anh cầu cứu kỹ sư nhiều kinh nghiệm. Nhưng càng đổ phân, thuốc đặc trị vào, cây càng chết.

Cận cảnh quýt hồng bị đốn hạ sau khi chết. Ảnh: LT
Quýt non bị rụng trái, được người dân tận dụng phơi khô để bán cho các cơ sở chế biến trần bì. Ảnh: LT

Đây cũng là chuyện phổ biến ở Lai Vung. Theo thống kê của ngành nông nghiệp Lai Vung, từ 2018 đến nay có gần 40% trong số hơn 830ha quýt hồng toàn huyện bị chết và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây được xem như tổn thất lớn không chỉ về mặt kinh tế.

Với màu vỏ vàng tươi, vị ngọt thanh, lại chín đúng dịp Tết, quýt hồng Lai Vung được nhiều người dân lựa chọn trưng bày,  nên giá luôn ở mức cao: Dao động 30 ngàn đồng/kg tại vườn. Cây khoảng 10 năm tuổi có khả năng đạt 500kg trái/năm. Chỉ cần sở hữu vài công (1.000m2) quýt hồng là nhà vườn thu về bạc tỷ. Vì thế, nhiều nhà vườn mong muốn ngành nông nghiệp công bố dịch để có chính sách xử lý, hỗ trợ. Nhưng dù đã nhiều lần lên tiếng, vẫn chưa được toại nguyện.

Chặt thân quýt hồng bị chết làm củi. Ảnh: LT

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Sở NNPTNT Đồng Tháp, chia sẻ: “Không phải không quan tâm mà do chưa đủ điều kiện để công bố”.

Cụ thể, theo ông Thiện, qua phối hợp với chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước khảo sát, nghiên cứu mẫu đất, nước tưới và toàn bộ cây quýt từ rễ, thân, trái... cho thấy, nguyên nhân chủ yếu khiến quýt hồng chết là do biện pháp canh tác gây ra...

“Nạn lạm dụng phân, thuốc hóa học lâu ngày đã tạo ra lớp “đế cày” bên dưới bộ rễ. Đồng thời, tập quán đắp đất lên gốc cây sau thời gian canh tác nhưng nguồn đất có chứa các kim loại nặng... Những yếu tố này đã tạo ra vi khuẩn gây hại làm thối rễ, khiến cây mất sức dẫn đến dễ bị bệnh tấn công” - ông Thiện cho biết thêm.

Hiện ngành nông nghiệp Đồng Tháp đang tích cực triển khai các biện pháp tiếp sức nhà vườn để hạn chế tình trạng dịch bệnh trên loại cây này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn