MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy Đóng tàu Dung Quất đang có nhiều vướng mắc, tồn tại cần được giải quyết. Ảnh: Ngọc Viên

Tìm phương án xử lý nhà máy đóng tàu lớn nhất Đông Nam Á chìm trong nợ nần

VIÊN NGUYỄN LDO | 07/04/2023 08:17

Dù nỗ lực khắc phục những yếu kém do lịch sử để lại, sau 13 năm được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp nhận, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất (DQS) ở Quảng Ngãi vẫn nợ hàng nghìn tỉ đồng do các khoản nợ, thua lỗ từ thời Vinashin để lại. DQS là một trong 12 đại dự án làm ăn thua lỗ nghìn tỉ của ngành công thương đang được yêu cầu rà soát, xử lý…

Thua lỗ liên tục do… Vinashin 

Trong chiến lược phát triển trước đây, DQS được coi là nhà máy đóng tàu quy mô lớn, hiện đại và là một trong những nhà máy đóng tàu lớn nhất Đông Nam Á, có thể đóng các loại tàu với trọng tải lên tới 400.000 - 500.000 tấn. Tuy nhiên, do đầu tư thiếu đồng bộ từ thời Vinashin và những yếu tố từ lịch sử để lại, DQS vẫn chưa thể phát triển như kỳ vọng. Theo đó, 13 năm tiếp nhận DQS từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), PVN tái cấu trúc mạnh mẽ, nhưng trong 13 năm qua nhưng vẫn lỗ 2.600 tỉ đồng.

Theo PVN, ngày 30.6.2010 đã tiếp nhận DQS từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Sau khi tiếp nhận, PVN đã tái cơ cấu nhà máy đóng tàu Dung Quất để duy trì và tiếp tục hoạt động. DQS có doanh thu 8.000 tỉ đồng trong 13 năm nhưng vẫn lỗ hơn 2.600 tỉ đồng. Nguyên nhân lỗ là do các khoản nợ, thua lỗ từ thời Vinashin để lại.

Sau khi tiếp quản, PVN đã “bơm” vào DQS 1.915 tỉ đồng vốn điều lệ, hỗ trợ gần 3.500 tỉ đồng để trả nợ các ngân hàng. Đồng thời đạo tái cấu trúc toàn diện DQS, cắt giảm từ 2.000 lao động xuống còn 600 lao động.

Từ khi PVN tiếp nhận, DQS đã cải hoán, đóng mới và sửa chữa hàng loạt tàu thuyền trong và ngoài nước. 13 năm qua, DQS đã có 182 dự án, gồm 68 dự án trong ngành, 30 dự án nước ngoài. Đặc biệt có các dự án đấu thầu ở nước ngoài mang về cả triệu USD.

Với những nỗ lực, tổng doanh thu của DQS từ các dự án nói trên khoảng 8.000 tỉ đồng; thu nhập bình quân hiện tại của lao động là 10 triệu đồng/tháng.

Hoạt động hiệu quả sau khi tiếp nhận, tuy nhiên, theo PVN, hiện DQS đang lỗ hơn 2.600 tỉ đồng. Khoản lỗ nghìn tỉ này không đến từ việc sản xuất kinh doanh bết bát mà do các khoản nợ, khoản lỗ trong hoạt động trước năm 2010 để lại.

Theo đó, kết quả kiểm toán giữa năm 2010 cho thấy nhà máy lỗ 3.800 tỉ đồng và tổng nợ phải trả lên đến 7.440 tỉ đồng. Lúc tiếp nhận, DQS đã mất cân đối tài chính, nên 13 năm qua PVN rất nỗ lực vẫn không bù đắp được khoảng nợ quá lớn để lại từ thời Vinashin dẫn đến kinh doanh có hiệu quả vẫn thua lỗ liên tục.
Nhà máy đóng tàu Dung Quất đang có nhiều vướng mắc, tồn tại cần được giải quyết. Ảnh: Ngọc Viên 

Quảng Ngãi muốn DQS tiếp tục hoạt động

Nhằm tìm phương án xử lý đối với Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương đã khảo sát hiện trường và làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và các bộ, ngành, cơ quan liên quan về phương án xử lý đối với Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Theo đó, có 3 phương án được đề xuất gồm 3 phương án xử lý Nhà máy đóng tàu Dung Quất trong thời gian tới. Phương án 1: Chuyển đổi sở hữu nhà máy thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ theo đề án 1468/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Phương án 2: Phá sản nhà máy theo quy định của pháp luật. Phương án 3: PVN tiếp tục tái cơ cấu nhà máy.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN bày tỏ quan điểm tiếp tục duy trì hoạt động của DQS, bảo đảm việc làm, thu nhập cho hơn 600 lao động. Ông Vượng đề nghị các cấp có thẩm quyền tái cơ cấu DQS cùng những giải pháp về đầu tư tài chính.

Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, Quảng Ngãi đồng tình với đề xuất duy trì hoạt động DQS theo phương án tái cơ cấu. Trong quá trình giải quyết, tỉnh sẵn sàng thực hiện chỉ đạo của Trung ương và tích cực hỗ trợ để DQS hoạt động. Qua đó, khai thác tối đa lợi thế của cảng nước sâu ở KKT Dung Quất và đảm bảo công tác an sinh xã hội, tạo việc làm cho người lao động của DQS.

Sau khi kiểm tra thực tế DQS và nghe các bên thảo luận phương án xử lý đối với DQS, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị PVN, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu ý kiến của các bộ ngành. Khẩn trương hoàn thiện phương án với DQS một cách khách quan, đầy đủ, khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 6.2023

Phó thủ tướng cho rằng với DQS, nếu không còn phương án khả thi mới tính phá sản. Nếu cơ cấu lại DQS thì phương án phải tính đến tiềm năng phát triển, thị trường, đầu ra và các định hướng khả thi khác, cũng như hạn chế tối đã tổn thất.

Dự kiến ngày 15.5, phương án xử lý tồn tại, hạn chế tại DQS sẽ được trình Thủ tướng chính phủ. Tiếp đến là báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn