MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu rừng chõi cổ thụ tại Cô Tô rộng hơn 10 ha. Ảnh: Đoàn Hưng

Tìm ra thủ phạm phá hoại rừng chõi cổ thụ Cô Tô

Đoàn Hưng LDO | 16/08/2023 16:34

Quảng Ninh - Phòng Tài nguyên, Môi trường và Nông nghiệp huyện Cô Tô đã tìm ra “hung thủ” ăn lá, tấn công cánh rừng chõi cổ thụ nguyên sinh rộng hơn 10 ha tại thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến.

Tháng 4 hàng năm, khi hoa chõi nở rộ là thời điểm đẹp nhất của khu rừng. Đây cũng là một điểm tham quan du lịch nổi tiếng tại huyện Cô Tô.

Những cánh rừng chõi tại Cô Tô đã có quá trình sinh trưởng, phát triển hàng trăm năm. Tại đây, có nhiều cây chõi cổ thụ cao hơn 20 m.

Cây chõi có thân dẻo, dai, phân nhánh sớm, chịu được sóng gió và cát biển. Do vậy, rừng chõi tại Cô Tô còn là rừng phòng hộ, bảo vệ cho cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, những năm gần đây, cánh rừng xuất hiện 1 loài sâu ăn lá lạ. Đặc biệt từ năm 2021 đến nay, loài sâu này có mật độ nhiều.

Loài sâu ăn lá chõi tại Cô Tô có tên khoa học là Achaea serva Fabricius, thuộc họ Ngài đêm Noctuidae, bộ Cánh vảy Lepidopter. Ảnh: Thu Cúc

Những ngày đầu tháng 8.2023, rừng chõi tại Cô Tô lại tiếp tục xuất hiện dày đặc loài sâu hại ăn lá khiến cho một số cây cổ thụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo đánh giá hiện trạng, diện tích phát hiện sâu hại khoảng 1,5 ha, một số cây đã bị ăn toàn bộ lá, tỉ lệ hại ước khoảng 30% tổng số cây trên toàn bộ diện tích khu vực.

Nếu sâu ăn lá tiếp tục mở rộng diện tích, một số cây chõi lâu năm sẽ bị mất bộ lá hoàn toàn, có thể làm chết cây. Nguy hại hơn, sự sinh sôi của loại sâu ăn lá này có thể làm ảnh hưởng lớn đến sinh thái rừng và cảnh quan khu vực, đồng thời, gây cản trở giao thông cho người đi đường (vì người dân, du khách ngại đi qua con đường nhiều sâu).

Để bảo vệ rừng chõi nguyên sinh, Phòng Tài nguyên - Môi trường và Nông nghiệp huyện Cô Tô đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Đồng Tiến, Hạt Kiểm lâm huyện trực tiếp kiểm tra hiện trạng và đưa ra những giải pháp cấp bách để phục hồi và bảo vệ rừng.

Phun thuốc trừ sâu sinh học, khống chế dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Mến

Ông Bùi Thế Tuân - Phó trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường và Nông nghiệp huyện Cô Tô - cho biết: “Hiện tại, Phòng Tài nguyên - Môi trường và Nông nghiệp đang phối hợp với các đơn vị chức năng phun thuốc trừ sâu sinh học, hỗn hợp, hạn chế sự gia tăng của sâu và đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh”.

“Theo nghiên cứu, dựa vào một số tài liệu, bài báo của Ấn Độ và kết quả mô tả đặc điểm hình thái và phân tích trình tự gene, loài sâu ăn lá chõi tại Cô Tô có tên khoa học là Achaea serva Fabricius, thuộc họ Ngài đêm Noctuidae, bộ Cánh vảy Lepidopter. Sâu gói nhộng trong lòng đất, sinh sôi nhanh, đặc biệt chỉ ăn lá của cây chõi mà không hề tấn công sang các loài cây khác. Do đó, trong tương lai, với loài sâu hại này, chúng tôi đề nghị đưa vào các chương trình giám sát sức khỏe rừng ở các tỉnh ven biển Việt Nam nhằm xác định phạm vi phân bố, cây chủ và thực trạng gây hại của nó” - ông Tuân cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn