MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện A Lưới giải ngân vốn vay ưu đãi cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ảnh: Thùy Nhung

Tín dụng chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số vượt khó thoát nghèo

THÙY NHUNG LDO | 12/12/2023 17:45

Thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi đã tiếp sức cho người dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở; đầu tư sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, ổn định kinh tế gia đình, nâng cao đời sống, vượt khó thoát nghèo.

Thừa Thiên Huế có 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và 3 huyện, thị xã có đồng bào dân tộc thiểu số (Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà).

Trong đó, A Lưới là một huyện nghèo của tỉnh với 18 xã, thị trấn nhưng có đến 12 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, với 78% người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Những năm qua, với nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Lữ Thị Sum, dân tộc Thái ở thôn Phú Xuân (xã Phú Vinh, huyện A Lưới) được xem như một điển hình. Thiếu đất sản xuất lại không có nghề nghiệp ổn định nên trước đây bà Lữ Thị Sum phải đi làm thuê đủ nghề, song vẫn không thoát được nghèo.

Được sự giới thiệu từ Hội nông dân xã, bà tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách - Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển 1 ha rừng. Tuy nhiên, phát triển kinh tế rừng có nguồn thu nhập dài hạn nên kinh tế trong ngắn hạn vẫn khó khăn.

Để có thu nhập giải quyết các nhu cầu tại chỗ cho gia đình, bà đăng ký theo học các lớp đào tạo chăn nuôi do Hội Nông dân và các cơ quan ban ngành tổ chức, bà đã đầu tư mua thêm 2 cặp dê làm giống.

Học được các kiến thức chăn nuôi nên đàn dê phát triển tốt, đến tháng 7.2023, bà tiếp tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng để đầu tư thêm đàn dê, nâng tổng đàn lên 15 con, cơ bản giải quyết các nhu cầu thu nhập trong ngắn hạn của gia đình.

Không riêng gì bà Sum, nhiều gia đình đồng bào tại huyện A Lưới đang được vay vốn tín dụng chính sách để tiếp sức trong chặng đường vươn lên thoát nghèo.

Còn tại huyện Nam Đông, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã được chuyển tải đến hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Việc đầu tư các nguồn vốn tín dụng chính sách góp một phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn