MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ cần tìm trên facebook với từ khóa "vay tiền online", hàng trăm nghìn fanpage hiện ra bủa vây người lao động. Ảnh: Chụp màn hình

Tín dụng đen "bủa vây" công nhân

LƯƠNG HẠNH LDO | 12/07/2022 07:17

Đánh vào tâm lý cần tiền gấp của công nhân lâm cảnh túng quẫn như: Hết tiền, con ốm... bẫy tín dụng đen "bủa vây" họ tại các khu công nghiệp. 

Dễ dàng vay nợ 

Bộ Công an cho biết, trong 3 năm qua đã khởi tố gần 1.000 vụ cho vay nặng lãi. Nhiều bị hại là công nhân.

Phản ánh đến Báo Lao Động, chị C.T.H (SN 1993) - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, gia đình chị liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi, tin nhắn... của những người lạ. Không chỉ vậy, hình ảnh của chị và gia đình còn bị đăng lên các website xấu, độc hại.

Trước đó, vào tháng 4.2022, chị H nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ yêu cầu thanh toán tiền vay nợ. "Tôi hỏi chồng thì mới biết chồng tôi dùng ảnh chụp chứng minh thư nhân dân để vay trên app điện thoại. Số tiền vay nợ chỉ có 500.000 đồng. Khi tôi nhận được cuộc gọi đòi nợ, số tiền đã lên đến 875.000 đồng" - chị H. thông tin.

Số tiền vay tuy không lớn nhưng chị H. và cả gia đình chị bị làm phiền, quấy rối... từ hàng trăm số điện thoại lạ trong vòng hơn 1 tháng. Chị H. vô cùng bức xúc với những hành vi này. Nếu không phát hiện sớm, rất có khả năng số tiền "lãi mẹ đẻ lãi con" không biết lên đến bao nhiêu tiền. 

Chị H. chia sẻ: "Khoảng thời gian đó, gia đình tôi lâm cảnh túng thiếu vì chưa có lương. Chồng tôi xem được quảng cáo trên facebook nên thử vay ai ngờ ra cơ sự... May mà tôi phát hiện kịp thời". 

Còn chị Cao Thị Tuyết Nhung (SN 1999) - công nhân Khu công nghiệp Phú Hà (Phú Thọ) rơi vào cảnh bị đòi tiền trong khi chị Nhung không hề vay nợ từ bất cứ ứng dụng nào. Chị Nhung nhớ lại, khoảng tháng 2.2022, bạn bè chị gọi điện khi thấy ảnh chị bị đăng lên khắp các trang facebook kèm những lời dọa nạt. 

"Ngoài ảnh CMND thì thông tin như số điện thoại và số tài khoản ngân hàng nhận tiền không trùng với thông tin của tôi. Tôi bị những người lạ đòi nợ, làm phiền luôn cả bạn bè. Bên đòi nợ sử dụng nick facebook ảo để đe doạ" - chị Nhung bức xúc nói. 

Người lao động phải tỉnh táo

Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) đã đưa các giải pháp để hạn chế tình trạng người lao động sa vào cạm bẫy tín dụng đen. Thứ nhất, mỗi công nhân cần nâng cao sự hiểu biết về thời sự an ninh, về những nguy cơ, hiểm họa từ tín dụng đen. 

Thứ hai, người lao động cần tiết chế sinh hoạt, tránh việc đẩy bản thân vào tình trạng túng quẫn về tài chính. Người lao động cần điều chỉnh mức chi tiêu tương xứng với mức thu nhập. Đây là giải pháp căn cơ, phòng ngừa sa vào tín dụng đen. 

"Khi rơi vào tình thế buộc phải vay trên các ứng dụng, mỗi người cần phải kiểm tra thật kỹ ứng dụng cho vay có uy tín hay không? Hãy tìm đến tổ chức, doanh nghiệp cho vay có uy tín. Đặc biệt, người lao động cần hết sức lưu ý nếu lãi sất vay cao hơn 20%/năm theo lãi suất ngân hàng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật" - ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Hiếu cũng lưu ý hiện nay, có những đối tượng cho vay với mức lãi suất dưới 20%/năm, vẫn đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các đối tượng này lại có các khoản phí phụ thu, cộng tất cả các loại phí vào thì bản chất vẫn là cho vay lãi nặng. 

Bên cạnh đó, nếu đối tượng cho vay yêu cầu người lao động phải đồng bộ danh bạ điện thoại, cho truy cập vào các tài khoản mạng xã hội... thì đây sẽ là hình thức đe dọa, có nguy cơ mất an toàn, an ninh về thông tin của người vay. Từ đó, phát sinh rất nhiều hệ lụy khác, ảnh hưởng cuộc sống của người vay trong tương lai.

Ông Hiếu khuyến cáo người lao động không may sa vào tín dụng đen bằng những thủ đoạn pháp luật cấm cần phải đến trình báo các cơ quan chức năng, tìm kiếm sự can thiệp, hỗ trợ từ các cơ quan này.

Trước đó, Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an - cho biết: Để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, Bộ Công an đã tập trung tổ chức phòng ngừa, xã hội, tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật.

Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp có liên quan tới hoạt động này. Phát hiện tội phạm vi phạm pháp luật, xử lý những doanh nghiệp lợi dụng chính sách này. Đồng thời, rà soát các ngành nghề kinh doanh thường bị các đối tượng hoạt động tín dụng đen lợi dụng để núp bóng và sẽ siết chặt quản lý, triệt phá. Mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm trên toàn quốc liên quan tới tín dụng đen.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn