MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại TP.Thái Bình, trong buổi sáng 11.9, nhiều thời điểm mưa vẫn to trắng trời. Ảnh: Trung Du

Tin mới nhất về mưa, lũ, đê điều tại Thái Bình ngày 11.9

TRUNG DU LDO | 11/09/2024 13:28

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình, đến nay, hệ thống các đê sông trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo an toàn.

Nước lũ trên sông Trà Lý tiếp tục lên cao, cao hơn cấp độ 3. Ảnh: Trung Du

Đã di dời trên 1.000 người dân vào nơi an toàn

Tính đến 9h ngày 11.9, các huyện, thành phố trong tỉnh Thái Bình đã tổ chức di dời 464 hộ/1182 nhân khẩu sinh sống ở vùng bờ bao, đê bối để đảm bảo an toàn. Các huyện: Hưng Hà 64 hộ/167 khẩu; Đông Hưng 71 hộ/ 157 nhân khẩu; Quỳnh Phụ đang triển khai; Thái Thụy: 71 hộ/249 nhân khẩu và 30 lao đông/5 công ty; Vũ Thư: 28 hộ/100 nhân khẩu; Kiến Xương: 173 hộ/ 397 nhân khẩu; Tiền Hải đang triển khai; TP.Thái Bình: 57 hộ/ 112 nhân khẩu.

Tiếp tục thực hiện nghiêm việc hạn chế giao thông trên đê, trên sông

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai thực hiện việc cấm tất cả các loại xe cơ giới đi trên đê (trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa.

Bên cạnh đó, đề nghị cấm tất cả các phương tiện vận tải thủy trên đi lại sông Trà Lý từ điểm giao cắt sông Trà Lý với sông Hồng đến cầu Trà Giang để đảm bảo an toàn đê điều.

Tình hình lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Ảnh: Trung Du

Dừng tất cả các hoạt động của các bến đò ngang trên triền sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa, sông Trà Lý. Sở Giao thông Vận tải chủ trì và các đơn vị có liên quan thông báo cho các phương tiện giao thông đường thủy lưu thông trên các tuyến sông: Hồng, Luộc, Hóa, Trà Lý về tình hình nước lũ lên cao để đảm bảo an toàn cho các phương tiện và công trình cầu, cống, đê, kè.

Thành lập 18 Sở chỉ huy tiền phương

Thực hiện chỉ đạo ngày 10.9 của UBND tỉnh Thái Bình, đến nay 8/8 huyện, thành phố đã tổ chức thành lập 18 Sở chỉ huy tiền phương trên các triền đê.

UBND các huyện, thành phố đã tổ chức tuần tra, canh gác đê theo lệnh báo động số I, báo động số II, báo động số III trên sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa và sông Trà Lý.

Gác nước tại 207 điếm, thả phai dự phòng được 60 cống dưới đê và cắm 680 tre vè theo dõi 15 kè xung yếu. Toàn tỉnh Thái Bình có 681 lồng, bè nuôi thủy, hải sản trên sông: Quỳnh Phụ 213 lồng, Hưng Hà 275 lồng, Đông Hưng 52 lồng, Vũ Thư 121 lồng, Kiến Xương 10 lồng, TP.Thái Bình 10 lồng. Các hộ nuôi cá lồng trên sông đều đã được thông tin về diễn biến phức tạo, khó lường của mưa lũ.

Người dân cần hiểu đúng các từ ngữ liên quan đến đê điều

Theo ghi nhận của PV Lao Động và ý kiến phản ánh của đại diện một số cơ quan chức năng tại tỉnh Thái Bình, từ ngày 10.9 đến hiện tại, rất nhiều tài khoản trên mạng xã hội đã, đang tiếp tục lan truyền nhiều hình ảnh cho rằng, hệ thống đê điều ở huyện Vũ Thư, Kiến Xương bị tràn nước hoặc bị vỡ.

Do không phân biệt thế nào là đê sông, đê bao, đê bối nên không ít người đã chia sẻ thông tin, bình luận, lan truyền dùng chung từ “vỡ đê” khiến dư luận xã hội, quần chúng nhân dân hoang mang, lo lắng.

Theo giải nghĩa từ ngữ trong Luật đê điều 2016, nêu rõ: Đê sông là đê ngăn nước lũ của sông; đê biển là đê ngăn nước biển; đê cửa sông là đê chuyển tiếp giữa đê sông với đê biển hoặc bờ biển; đê bao là đê bảo vệ cho một khu vực riêng biệt; đê bối là đê bảo vệ cho một khu vực nằm ở phía sông của đê sông.

Như vậy, đến nay, hệ thống đê sông của tỉnh Thái Bình nói chung, tại huyện Vũ Thư và Kiến Xương nói riêng vẫn đang bảo đảm an toàn. Chỉ có một số điểm đê bao bảo vệ cho một khu riêng biệt và đê bối bảo vệ cho một khu vực ở phía ngoài sông bị nước tràn, đã và đang được các lực lượng gia cố, xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn