MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm vaccine cho công nhân Công ty TNHH Anyone Vina, KCN Quế Võ (Bắc Ninh) để chuẩn bị đi làm trở lại. Ảnh: H.T

Tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp cận vaccine qua 3 kênh, ưu tiên tiêm cho CN

trần Tuấn LDO | 21/06/2021 08:33
Ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh - cho biết, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp cận nguồn vaccine qua 3 kênh, ưu tiên hàng đầu để tiêm cho công nhân trong các KCN trên địa bàn tỉnh.

Bắc Ninh sẽ tiếp cận vaccine qua 3 kênh

Hiện tại, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cơ bản đã được kiểm soát. Toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.400 ca nhiễm COVID-19, trong đó đã hơn 700 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu sẽ sớm cơ bản dập xong dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Trao đổi với Lao Động, ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh - cho biết, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp cận nguồn vaccine COVID-19 qua 3 kênh. Cụ thể như sau:

Kênh đầu tiên là Bắc Ninh đăng ký với Chính phủ, đề nghị Chính phủ quan tâm, thông qua chương trình Vaccine Covax của Chính phủ.

Thông qua kênh này, đến thời điểm hiện nay, Bắc Ninh đã được Chính phủ phân bổ 4 đợt vaccine với tổng cộng 219.000 liều vaccine. Trong đó, đợt 1, đợt 2, chủ yếu là tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Kênh thứ 2, tỉnh Bắc Ninh đã lập kế hoạch đề nghị Chính phủ cho phép Bắc Ninh đăng ký mua vaccine của Chính phủ từ các kênh mà Chính phủ đàm phán với các đối tác quốc tế. Tức là, Chính phủ sẽ nhập về sau đó phân phối cho Bắc Ninh. Tỉnh Bắc Ninh sẽ trả phí theo quy định của Chính phủ.

Theo ông Vương Quốc Tuấn, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng kế hoạch cho phương án này. Đối với tỉnh Bắc Ninh, nếu để tiêm cho đối tượng công dân từ 18 - 60 tuổi thì dự kiến cần 2,3 triệu liều, tương ứng với 1,15 triệu dân. Dự kiến chi phí khoảng 421 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh và xã hội hóa. Hiện nguồn ủng hộ quỹ vaccine của tỉnh đang tăng lên mỗi ngày.

Kênh thứ 3, tỉnh Bắc Ninh đang xin ý kiến của Chính phủ theo phương án mà TPHCM đang làm. Tức là, thông qua nhu cầu đăng ký của các doanh nghiệp, tỉnh sẽ tổng hợp lại và đề xuất với Chính phủ đồng ý với chủ trương cho tỉnh Bắc Ninh huy động doanh nghiệp mua phục vụ vaccine, trước hết là dành cho doanh nghiệp đó. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ có trách nhiệm ủng hộ thêm vào quỹ vaccine của Trung ương và của tỉnh. Cơ bản là phục vụ cho doanh nghiệp, phần còn lại sẽ phục vụ vào việc xã hội hóa cho các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách.

Ưu tiên hàng đầu cho công nhân

Về việc phân bổ vaccine, theo ông Vương Quốc Tuấn, Bắc Ninh sẽ ưu tiên tiêm cho công nhân và các đối tượng tiếp xúc trực tiếp với công nhân để bảo vệ sản xuất công nghiệp của tỉnh.

“Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 877 doanh nghiệp đi làm theo mô hình mới, với 115.581 công nhân. Với số công nhân đi làm thì vừa qua chúng tôi đã tiêm 110.000 liều. Với 70.000 liều vaccine được nhận trong đợt 4 tới đây, Bắc Ninh sẽ phân bổ tiếp 40.000 liều nữa cho công nhân. Công nhân là đối tượng được ưu tiên hàng đầu”, ông Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, đối tượng là người lao động chính trong các hộ gia đình nghèo và cận nghèo, các chủ nhà trọ cũng sẽ được tỉnh Bắc Ninh ưu tiên tiêm vaccine.

“Tức là mình bảo vệ tối đa cho sản xuất công nghiệp”, ông Tuấn nói và cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là sản xuất trong các KCN, nhằm bảo vệ các chuỗi sản xuất.

Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng so với cùng kỳ

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Bắc Ninh đều tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,45%; thu ngân sách Nhà nước tăng 7,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,8%; xuất khẩu hàng hóa tăng 29,7%... Bắc Ninh cũng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 5 khu công nghiệp tập trung. UBND tỉnh Bắc Ninh cũng quyết định thành lập mới 4 khu công nghiệp tập trung và 2 cụm công nghiệp.

Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) đứng thứ 4/63 (tăng 46 bậc), đưa Bắc Ninh trở lại là một trong 5 tỉnh có điểm số cao nhất trên cả nước. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo; công tác an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện, tinh thần tương thân tương ái, vượt khó chống dịch COVID-19 được lan tỏa rộng rãi. Bắc Ninh quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn