MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều địa phương ở Cao Bằng đang chật vật giải quyết bài toán thiếu những vật liệu xây dựng cơ bản. Ảnh: Tân Văn.

Tỉnh miền núi thiếu đá xây dựng giữa muôn trùng núi đá

Tân Văn LDO | 28/06/2023 16:18

Cao Bằng - Có đến hơn 90% địa hình là đồi núi, đá vôi thế nhưng địa phương này nhiều năm qua luôn lâm cảnh thiếu vật liệu xây dựng trầm trọng.

Sống trên đá, đi trên đá

Cao Bằng là một tỉnh miền núi có địa hình núi rừng chiếm đến trên 90%, địa thế có độ dốc cao, chủ yếu là núi đá, có tới 75% diện tích đất đai có độ dốc trên 250m.

Thế nhưng nhiều năm qua tại địa phương này tồn tại câu chuyện trớ trêu, những dự án, công trình đầu tư công lẫn người dân đang trong tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường khiến các địa phương lúng túng.

Tại huyện Hạ Lang, địa phương đang thi công các công trình lớn Đường tỉnh 208, các công trình giao thông liên xã, liên xóm nên nhu cầu về vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công tăng cao. Tuy nhiên, trên địa bàn chỉ có mỏ đá Bó Cáy (xã Quang Long) với công suất là 15.000 m3/năm; mỏ đá Lý Quốc với công suất là 10.000 m3/năm.

Theo ông Nguyễn Phương Huy - Chủ tịch UBND huyện Hạ Lang, với công suất khai thác như hiện nay thì hai mỏ đá không đáp ứng đủ nhu cầu, dẫn tới giá thành vật liệu xây dựng thông thường tăng cao và ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình.

Huyện Hạ Lang đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng xem xét điều chỉnh nâng công suất khai thác tại mỏ đá Bó Cáy lên 120.000 m3/năm, mỏ đá Lý Quốc lên 60.000 m3/năm…

Phần lớn diện tích tỉnh Cao Bằng là núi đá.

Một địa phương khác là huyện Bảo Lâm trong năm 2023 sẽ đầu tư xây dựng 138 công trình, dự án. Tuy nhiên, huyện không có mỏ đá, mỏ cát nào có giấy phép hoạt động. Từ năm 2020 đến nay, toàn bộ vật liệu cát, đá xây dựng chủ yếu lấy tại thành phố Hà Giang.

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Mã Gia Hãnh cho biết: "Huyện Bảo Lâm đang đề xuất UBND tỉnh có cơ chế đặc thù riêng đối với huyện trong việc khai thác vật liệu xây dựng thông thường tại chỗ".

Được biết, huyện này dự kiến đăng ký khai thác điểm đá xóm Tổng Phườn, xã Nam Quang; điểm đá khu I, Nà Tăng, thị trấn Pác Mjầu; đăng ký khai thác cát, sỏi lòng sông Gâm đoạn xã Nam Quang; lòng suối Khu I, thị trấn Pác Miầu.

Đại diện một doanh nghiệp tư nhân tại huyện Bảo Lâm chia sẻ: "Tại Bảo Lâm không có chỗ nào để mua được cát và đá, tất cả phải mua bên Hà Giang. Quãng đường cả gần 100km lại phải qua nhiều khâu trung chuyển mới có thể đến được nơi công trình xây dựng, chi phí vận chuyển có nơi thậm chí lên đến cả 1 triệu đồng/m3 cát, đá.

Mặt khác, các dự án không thể phê duyệt giá vật liệu cao như vậy, rất nhiều nhà thầu xây lắp đã phải bỏ cuộc vì không thể gồng lỗ, bù vào chi phí vận chuyển".

Xem xét việc nâng công suất các mỏ khoáng sản có giấy phép

Một địa phương khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự là huyện Bảo Lạc, cả huyện chỉ có một mỏ đá được cấp phép nhưng công suất chỉ khoảng 15.000 - 20.000 m³/năm và chưa có mỏ cát tại chỗ nên việc thiếu vật liệu xây dựng thông luôn là vấn đề nan giải của địa phương.

Thông tin từ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bảo Lạc, giai đoạn 2022-2025, huyện Bảo Lạc triển khai khoảng 200 dự án, trong đó có 85 dự án thực hiện theo cơ chế đặc thù. Do vậy nhu cầu sử dụng các loại vật liệu xây dựng tăng đột biến.

Tổng nhu cầu vật liệu đá và cát xây dựng trên 300.000m3. Trong khi đó các mỏ vật liệu của huyện chỉ đáp ứng khoảng 50% (150.000m3), bình quân mỗi năm còn thiếu khoảng 38.000m3 đá và cát xây dựng.

Theo tìm hiểu, giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh Cao Bằng có khoảng 2.000 dự án đang và sẽ thực hiện. Thực tế nhu cầu sử dụng đá xây dựng của tỉnh trên 1,2 triệu m³/năm; cát, sỏi gần 1 triệu m3/năm.

Cát và đá phục vụ xây dựng các công trình tại huyện Bảo Lâm chủ yếu được mua từ Hà Giang.

Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện chỉ có 36 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực (gồm 25 mỏ đá trữ lượng cấp phép gần 13 triệu m3, công suất khai thác gần 830 m3/năm (đạt 40% nhu cầu); 9 mỏ cát, sỏi trữ lượng cấp phép trên 3,7 triệu m3, công suất khai thác trên 331 m3/năm (đạt dưới 40% nhu cầu)….

Hiện nay, công suất khai thác vật liệu xây dựng thông thường chỉ đáp ứng dưới 40% nhu cầu sử dụng vật liệu của tỉnh.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các công trình, dự án, đơn vị đang tham mưu cho UBND tỉnh xem xét việc nâng công suất các mỏ khoáng sản có giấy phép khai thác đang còn hiệu lực; Đẩy nhanh việc thực hiện điều chỉnh giấy phép nâng công suất khai thác khoáng sản và tiến độ hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác đối với các mỏ đã trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản; thực hiện quyết liệt trên nguyên tắc vừa đảm bảo theo đúng trình tự thủ tục, vừa rút ngắn thời gian thực hiện, sớm đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu ngày càng tăng cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn