MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tình nguyện viên Việt - Hàn phát triển công cụ giao tiếp cho trẻ khuyết tật

Bích Hà LDO | 18/05/2022 22:37

Với tình yêu thương và sự chia sẻ, một nhóm bạn trẻ Việt Nam và Hàn Quốc đã lên ý tưởng, nỗ lực phát triển bộ công cụ giao tiếp, nhằm hỗ trợ trẻ khuyết tật Việt Nam kết nối với cộng đồng.

Hỗ trợ trẻ em tự kỷ giao tiếp bằng bộ công cụ AAC

Sau khi khảo sát các trung tâm người khuyết tật ở Hà Nội, nhóm tình nguyện viên Việt - Hàn đã lựa chọn Trung tâm Phục hồi chức năng Việt Hàn (thôn Đông Thái, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) để triển khai thí điểm bộ công cụ hỗ trợ AAC (chương trình làm tăng khả năng giao tiếp cho những người gặp khó khăn bằng lời nói do khuyết tật hay khiếm khuyết trí tuệ).   

Trung tâm Phục hồi chức năng Việt Hàn hiện đang đào tạo, hướng nghiệp và phục hồi chức năng cho 04 nhóm trẻ: Khuyết tật nghe nói, khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ và trẻ tự kỷ. Mỗi một dạng tật đều có những khó khăn nhất định đối với trẻ tự kỷ, trong đó, rào cản lớn nhất là về giao tiếp với mọi người xung  quanh bằng ngôn ngữ nói.

Thấu hiểu được điều đó, tình nguyện viên đến từ Việt Nam và Hàn Quốc đã bàn bạc và đưa ra sáng kiến phát triển Bộ công cụ hỗ trợ tăng cường và thay thế giao tiếp, sử dụng các thẻ hình ảnh sinh động, trực quan nhằm thay thế cho lời nói.

Một nhóm bạn trẻ Việt Nam và Hàn Quốc từ chương trình tình nguyện quốc tế World Friends Korean do KOICA tài trợ, Global Civic Sharing tổ chức đã thực hiện dự án Phát triển bộ công cụ hỗ trợ tăng cường và thay thế giao tiếp (AAC) để giúp đỡ trẻ người khuyết Việt Nam. 

Dự án gồm hai hoạt động chính sản xuất, phổ biến bộ công cụ AAC tại trung tâm Phục hồi chức năng Việt Hàn và truyền thông thay đổi nhận thức cộng đồng về người khuyết tật.

Đây là tuần thứ ba dự án được triển khai. Từng thành viên của nhóm, dưới sự hỗ trợ của các thầy cô đến từng bàn, hướng dẫn từng em một về bộ công cụ AAC.

Phạm Nhi - sinh viên trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, tình nguyện viên Việt Nam cho biết, để trẻ có thể hiểu và đưa được AAC vào cuộc sống sinh hoạt là cả thử thách với các thành viên trong dự án, vì mức độ tiếp nhận của các em là khác nhau. Việc có thể áp dụng được một cách thuần thục AAC lại càng khó hơn.

“Càng tiếp xúc với các em, bản thân tôi càng thấy thương các em nhiều hơn. Nụ cười tươi rói, hồn nhiên của các em là động lực để chúng tôi cố gắng nhiều hơn. Tôi hy vọng rằng, bộ công cụ AAC sẽ phần nào cải thiện được cuộc sống, giúp các em tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng”, Nhi nói.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Còn với Seol Hyun-Jeong - Tình nguyện viên Hàn Quốc, việc thực hiện dự án Phát triển bộ công cụ hỗ trợ tăng cường và thay thế giao tiếp cũng có nhiều khó khăn như khác biệt về ngôn ngữ, khác biệt trong văn hóa dẫn tới khi thiết kế hình ảnh AAC chưa phù hợp với trẻ Việt Nam…

Tuy nhiên, với sự tư vấn từ các chuyên gia trong lĩnh vực AAC, và nỗ lực từ các thành viên Việt- Hàn, cả nhóm đã điều chỉnh các hình ảnh để có thể phù hợp với trẻ em… Thông qua dự án, các bạn trẻ hiểu hơn về văn hóa mỗi nước, đặc biệt là cả nhóm đã hỗ trợ được các em không may bị khuyết tật có thêm công cụ kết nối với cộng đồng.

“Tôi hy vọng sau này, không chỉ ở đất nước Hàn Quốc chúng tôi mà AAC có thể là một trong những công cụ hữu ích đối với những người tự kỷ ở đất nước Việt Nam nữa”, Seol Hyun-Jeong nói.

Ngày 13.5.2022, tại Trung tâm phục hồi chức năng Việt Hàn, nhóm tình nguyện viên đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh tô màu, tặng quà cho các em nhỏ khuyết tật tại trung tâm, nhằm tạo cho các em một sân chơi bổ ích và kích thích tinh thần hòa nhập cho các bé. Sau dự án, nhóm sẽ trao tặng 50 bộ công cụ AAC do các thành viên sản xuất gửi đến trung tâm nhằm hỗ trợ các em tự kỷ trong việc giao tiếp.

Với nhiệt huyết, sự chia sẻ từ những tình nguyện viên đến từ hai nước Việt-Hàn hy vọng dự án có thể góp phần kiến tạo một xã hội công bằng - bình đẳng - không ai bị bỏ lại phía sau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn