MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Thầy Hai Nghĩa" Trương Vĩnh Trọng sống những năm tháng cuối đời ở quê hương Bến Tre. Ảnh: K.Q

Tình thầy trò ở đám tang “Thầy Hai Nghĩa”

Kỳ Quan LDO | 21/11/2021 16:50
Bến Tre - Ở đám tang của nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (tháng 2.2021), những người đến viếng có dịp chứng kiến những hình ảnh cảm động của tình nghĩa thầy trò.

Ông Trương Vĩnh Trọng – nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - đã bắt đầu công tác cách mạng với nghề dạy học. Năm 1960 phong trào Đồng khởi nổ ra ở Bến Tre và phát triển ra toàn miền Nam. Ông Trương Vĩnh Trọng hoạt động phong trào ở các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày và Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Sau Đồng khởi, Bến Tre đã giải phóng được nhiều vùng nông thôn. Ông Trương Vĩnh Trọng công tác trong Tiểu ban Giáo dục của tỉnh, trực tiếp tổ chức các lớp học và tham gia giảng dạy, động viên thanh thiếu niên đi học, có nhiều lớp tiểu học, sau đó chuyển dần lên, có cả lớp 9, lớp 10. Phong trào giáo dục trong vùng giải phóng tỉnh Bến Tre đã phát triển rất mạnh.

“Thầy Hai Nghĩa” Trương Vĩnh Trọng vừa tổ chức lớp, vừa trực tiếp giảng dạy nhiều khóa học. Chính trong giai đoạn này, ông đã có hàng trăm học trò, nhiều người sau này là cán bộ lãnh đạo các cấp ở tỉnh Bến Tre. Dù sau này “Thầy Hai Nghĩa” không còn công tác ở Bến Tre, nhưng thầy và trò trong lớp học những năm chiến tranh vẫn giữ liên lạc và dành nhiều tình cảm cho nhau.

Đến dự đám tang của “Thầy Hai Nghĩa” có nhiều học trò cũ của thầy. Đại tá Lê Hoàng Bé – nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre – là 1 trong những người như thế. Ông Bé cho biết, ông là cựu học sinh lớp bổ túc công nông do Thầy Hai Nghĩa tổ chức ở Thạnh Phú từ 1962 đến 1964. Chính thầy đã đến xã Thanh Phong, huyện Thạnh Phú vận động dân hiến đất, hiến vật liệu làm trường, rồi vận động thanh thiếu niên đến lớp. Thầy không chỉ dạy chữ, mà còn gieo vào tâm hồn học trò lòng yêu nước sâu sắc, nhờ đó mà hầu hết học trò của thầy đều đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Dù các lớp học chỉ kéo dài được mấy năm, nhưng tình nghĩa thầy trò gắn bó keo sơn đến trọn đời. Dù ở vị trí công tác nào cũng như khi đã nghỉ hưu, ông Trương Vĩnh Trọng luôn thường xuyên liên lạc, gắn kết những học trò cũ, quan tâm giúp đỡ họ trong công việc cũng như cuộc sống. Thầy từng cùng các học trò về nơi trường cũ để cám ơn bà con từng hiến đất, hiến vật liệu cất trường học và đùm bọc thầy và trò trong những năm chiến tranh gian khổ.

Ông Bé nói: “Là cựu học sinh kháng chiến, chúng tôi luôn biết ơn, tôn kính và tự hào về Thầy Hai Nghĩa. Vĩnh biệt thầy, chúng em xin hứa sẽ tiếp bước con đường thầy đã chọn. Thầy thay cha mẹ răn, dạy dỗ/Tiên lễ, hậu văn đủ mọi điều/Bảo tàng tri thức trao em đấy/Hạt giống thầy gieo đã trưởng thành”.

Bên cạnh những học trò đến viếng đám tang Thầy Hai Nghĩa, người ta thấy có 1 cụ già khoảng 90 tuổi, đi lại phải có người dìu. Đó là cụ Phạm Thị Cẩn, ngụ thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Cụ Cẩn cho biết, Hai Nghĩa là học trò cũ của vợ chồng bà ở Trường Trung học Tư thục Bình Hòa (huyện Ba Tri, Bến Tre).

Bà Cẩn viết vào sổ tang ở tang lễ ông Trương Vĩnh Trọng. Ảnh: Chụp lại sổ tang.

Sau ngày miền Nam giải phóng, dù làm việc ở nhiều cương vị khác nhau, nhưng Hai Nghĩa vẫn nhớ ơn và thường xuyên về thăm thầy cô ở trường cũ và nhớ từng người. Hàng năm, vào dịp Tết, ông Trương Vĩnh Trọng luôn tự mình mang quà đến bày bàn thờ biếu, cúng thầy, thể hiện tấm lòng học trò "tôn sư trọng đạo" rất đáng quý.

Có lần, cụ Cẩn đi Sài Gòn thăm con trở về, đi bộ ngang cầu Bắc qua phà Rạch Miễu. Lúc này ông Trương Vĩnh Trọng cũng từ Hà Nội về thăm quê. Vậy mà ông đã nhận ra cô giáo cũ trong số hàng trăm người đi qua phà và mời bà lên xe để đưa về tận nhà.

Đến dự tang lễ học trò cũ, bà Cẩn viết vào sổ tang: “Em là 1 trong những học sinh ưu tú của Trung học Tư thục Bình Hòa lúc còn thơ. Khi trưởng thành đã từng gian lao, hi sinh, vất vả lo công tác C.M. Sau đó em đã làm được nhiều việc giúp ích cho đất nước, cho nhân dân. Thương em quá. Tiếc em quá!”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn