MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện mỗi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình tiếp nhận khoảng 1.000 lượt người đến khám, chữa bệnh. Ảnh: Diệu Anh

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại Ninh Bình vẫn chưa được khắc phục

DIỆU ANH LDO | 03/03/2023 17:07

Ninh Bình - Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh cho người dân.

Cụ thể, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã diễn ra từ cuối cuối năm 2022 đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Theo đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện này tiếp nhân hơn 1.000 lượt người đến khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú và có gần 1.000 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là thiếu trầm trọng vật tư, hóa chất xét nghiệm, các vật tư trong chạy thận nhân tạo... đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc khám chữa bệnh cho người dân.

Nhiều loại thuốc nằm trong danh mục BHYT chi trả đã hết khiến người bệnh phải ra ngoài mua. Ảnh: Diệu Anh

"Hiện mỗi ngày, Bệnh viện cần khoảng tỉ đồng tiền thuốc, vật tư tiêu hao phục vụ nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay, việc cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những vướng mắc về thủ tục đấu thầu thuốc thì một số gói thầu các vị thuốc cổ truyền, Bệnh viện đã có Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng chưa thực hiện gọi hàng, cung ứng được vì các vị thuốc trúng thầu chưa có giấy đăng ký lưu hành theo quy định" - đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho hay.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, Trong quá trình mua sắm vật tư y tế, các gói thầu có giá trị lớn như, các gói mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm sử dụng tại Bệnh viện cho các năm 2022 - 2023 về việc mua sắm dịch chạy thận nhân tạo... Bệnh viện đã trình các cấp có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt dẫn đến thiếu số lượng lớn, phải làm bổ sung nhiều gói dưới 300 triệu nhưng vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu.

Tương tự, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cũng diễn ra khá phổ biến không chỉ tại các bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình, Bệnh viện Mắt mà tại các bệnh viện tuyến huyện cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Vũ Mạnh Dương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, cũng thừa nhận tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Theo ông Dương, nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện hiện nay là do các đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư hóa chất.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc biệt dược hiện không có để mua. Đối với thuốc y học cổ truyền hiện chưa có giấy đăng ký lưu hành như quy định tại Thông tư 38/2021/TT-BYT ngày 31.12.2021 của Bộ Y tế, có những thuốc đã đấu thầu trúng nhưng vì không có số đăng ký nên không lấy được.

"Thời gian qua, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã tích cực tổ chức gói đấu thầu mua thuốc tập trung cũng như chỉ đạo các đơn vị tổ chức đấu thầu mua thuốc, vật tư theo thẩm quyền của mình. Tuy nhiên, có một số mặt hàng trượt thầu do nhiều nhà thầu không tham dự. Thậm chí có những thuốc không có nhà thầu tham dự, tỉ lệ trúng thầu chỉ đạt khoảng 50%" - ông Dương nói.

Người dân sếp hàng làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Diệu Anh

Thực hiện Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 25.2.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản giao Sở Y tế tỉnh Ninh Bình chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, trương kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mua sắm... Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt trong việc lập kế hoạch mua sắm, đấu thầu và tổ chức các giải pháp để có đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn