MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyện biên giới Nậm Pồ, Điện Biên thành lập 121 Tổ dân vận cơ sở để lắng nghe từng tiếng nói người dân. Ảnh: Văn Thành Chương

Tổ dân vận cơ sở - mô hình mới sẽ được đánh giá toàn diện để nhân rộng

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 30/12/2022 10:10

Cách đây tròn 1 năm, huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã quyết định thành lập 121 Tổ dân vận cơ sở với gần 900 cán bộ, đảng viên tham gia. Đây được đánh giá là mô hình mang tính đột phá trong công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc...

Mô hình xuất phát từ thực tiễn và cách làm mới

Nậm Pồ là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Điện Biên với 8 dân tộc. Do địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên nên việc cán bộ đến với người dân chưa thường xuyên dẫn đến việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đôi khi còn chậm.

Việc giải quyết những vướng mắc từ cơ sở có lúc chưa kịp thời tạo nên những bức xúc, thậm chí có nguy cơ hình thành điểm nóng trong nhân dân.

Do vậy, vấn đề của Nậm Pồ không chỉ là chuyện phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống người dân mà quan trọng hơn còn phải đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ngày 15.12.2021, ông Lê Khánh Hòa - Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ đã ký quyết định thành lập 121 Tổ dân vận cơ sở tại 121 thôn bản. Đây được coi là mô hình mang tính đột phá.

Sau nhiều lần thảo luận, trao đổi, góp ý của tập thể Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ đã Quyết định thành lập 121 Tổ dân vận cơ sở tại 121 thôn, bản vào ngày 15.12.2021.

Cụ thể, tất cả các thành phần trong hệ thống chính trị đều tham gia, từ Bí thư Huyện ủy đến cán bộ các phòng, ban chuyên môn đều được giao phụ trách 1 tổ tại thôn, bản. Ngoài ra thành phần của tổ dân vận còn có sự tham gia của lực lượng Công an, lực lượng vũ trang, y tế, giáo dục…

Bên cạnh nhiệm vụ giúp đỡ các hộ nghèo, hộ gặp khó khăn phát triển kinh tế Tổ dân vận cơ sở còn phải thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính quyền và đảm bảo an ninh trật tự. Cùng với đó là kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết những vướng mắc nảy sinh.

Các tổ dân vận cơ sở không quản ngày đêm tham gia vào chiến dịch vận động người dân tiêm vaccine phòng COVID-19.

Hiệu quả cần được nhân rộng

Sau 1 năm thành lập và đi vào hoạt động, có thể thấy, 121 Tổ dân dân vận cơ sở đã trở thành 121 chiếc cầu nối trực tiếp giữa nhân dân với các lãnh đạo cao nhất của huyện.

Hàng nghìn cuộc điện thoại với hàng trăm thông tin hữu ích, kịp thời đã được chuyển đến lãnh đạo huyện và các cơ quan chức năng thông qua Tổ dân vận cơ sở.

Các tổ dân vận cũng đóng góp hàng nghìn ngày công tham gia vào các hoạt động phong trào tại địa phương, tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…

Thành viên các tổ dân vận cơ sở luôn có mặt tham gia vào các phong trào của địa phương.

Nói về hiệu quả của mô hình này, ông Lê Khánh Hòa – Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ cho biết, trước hết phải khẳng định đây là mô hình phù hợp với thực tế, nhận được sự đồng thuận cao và đang phát huy tốt hiệu quả.

“Cái quan trọng nhất là mô hình Tổ dân vận cơ sở đã làm thay đổi nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên về công tác dân vận” – ông Lê Khánh Hòa nói.

Sau 1 năm hoạt động, nhiều tổ dân vận cơ sở đã có những cách làm hay, sáng tạo.

Trả lời phóng viên Báo Lao Động, ông Lò Văn Mừng - Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên cho biết: Việc  thành lập 121 tổ dân vận cơ sở ở tất cả các thôn bản tại huyện Nậm Pồ là cách làm hay, sáng tạo và rất mới. Có thể thấy, Tổ dân vận cơ sở đã góp phần nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tại địa phương.

“Với mô hình này thì cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để làm công tác dân vận. Và thực tế cho thấy mô hình này đã từng bước đi vào cuộc sống của người dân. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ có những phân tích, đánh giá cụ thể về hiệu quả của mô hình này để tiếp tục nhân rộng” – ông Lò Văn Mừng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn