MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một mô hình nhà vệ sinh công cộng hiện đại, sạch sẽ được người dân hoan nghênh nhưng cần phải tính đến phương án có người trông coi xe để người dân dễ tiếp cận hơn khi có nhu cầu. Ảnh: Trường Sơn

Toát mồ hôi đi tìm nhà vệ sinh công cộng ở Sài Gòn

Trường Sơn LDO | 06/05/2018 16:51
Dù có hơn 200 nhà vệ sinh công cộng nhưng do hầu hết đã xuống cấp, không được duy tu bảo dưỡng, lại nằm ở các góc khuất, chưa tính đến phương án gửi xe... nên đa phần người dân TPHCM cũng như du khách rất khó tiếp cận với dịch vụ công cộng được xem là rất thiếu yếu và quan trọng này.

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố có tổng cộng 208 nhà vệ sinh công cộng, tập trung chủ yếu ở các quận trung tâm như 1, 3, 5 và trong các công viên nằm rải rác các quận huyện.

Ghi nhận tại công viên Tao Đàn, xung quanh công viên này có khá nhiều nhà vệ sinh công cộng, trong đó có 2 nhà vệ sinh công cộng mới được xây theo hình thức xã hội hóa. Nhà đầu tư bỏ tiền ra xây trên đất công viên, một phần nhỏ đặt trạm rút tiền tự động.

Mô hình này phát huy được hiệu quả khi người dân khá hào hứng tiếp cận vì thiết kế và trang bị của các nhà vệ sinh này rất tốt. Hơn nữa, họ được phục vụ miễn phí, vấn đề vệ sinh cũng được nhân viên thường xuyên chăm lo. Tuy nhiên, số lượng những nhà vệ sinh công cộng kiểu này vẫn chưa nhiều.

Một trong 2 nhà vệ sinh công cộng đã cũ nằm bên trong công viên Tao Đàn. Ảnh: Trường Sơn

Bên cạnh mô hình nhà vệ sinh công cộng trên, thành phố còn có rất nhiều nhà vệ sinh công cộng đã được xây dựng từ khá lâu. Ngay tại quận 1, có hàng chục nhà vệ sinh công cộng nằm lẩn khuất trong các công viên và có thu phí phục vụ.

Theo phản ánh của anh Thanh (ngụ quận 7), việc tiếp cận nhà vệ sinh công cộng rất khó. Anh kể, một lần đang chạy trên đường đến cơ quan thì bụng đau quằn quại. Hỏi mấy bác xe ôm có nhà vệ sinh công cộng gần đây không thì được chỉ đến góc đường Nguyễn Thị Minh Khai – Cống Quỳnh.

Tuy nhiên, dù bụng đang sôi sùng sục nhưng anh vẫn không dám bỏ xe để đi vào vì sợ mất. “Mất gần chục phút để được sử dụng nhà vệ sinh công cộng đó khiến tôi sợ đến già” – anh Thanh chia sẻ.

Do đã xây dựng từ lâu, xuống cấp nên nhiều nhà vệ sinh công cộng dù có thu phí phục vụ nhưng lại bốc mùi hôi, tường và thiết bị bị bám bẩn. Ảnh: Trường Sơn

Đúng như phản ảnh của anh Thanh, có rất nhiều nhà vệ sinh công cộng trong các công viên, các tụ điểm đang xuống cấp, không đảm bảo được vấn đề vệ sinh môi trường. Chưa kể, do được xây dựng để phục vụ cho số ít người dân đến các địa điểm này nên vị trí các nhà vệ sinh công cộng nằm ở những góc khuất khiến việc tiếp cận gặp rất nhiều khó khăn.

Chưa kể, ngay tại phố đi bộ Nguyễn Huệ có 2 công trình nhà vệ sinh công cộng khá hiện đại nhưng chỉ mở cửa đến 22h đêm khiến nhiều người dân cũng như du khách không biết phải làm sao để giải quyết nỗi buồn sau thời gian này.

Thiết nghĩ, trong khi các cơ quan chức năng TPHCM đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, xử phạt những hành vi phóng uế, gây ô nhiễm môi trường với mức phạt có thể lên đến 2-3 triệu đồng theo qui định mới thì cũng cần tính đến phương án đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng, trong đó cần tính đến phương án sao cho người dân dễ dàng tiếp cận nhất, tránh trường hợp phải loay hoay kiếm chỗ gửi xe rồi mới được sử dụng tiện ích xã hội này khi có nhu cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn