MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiến lược vaccine quyết định sự phục hồi kinh tế. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Tốc độ phục hồi kinh tế phụ thuộc vào chiến lược tiêm vaccine

Phạm Đông LDO | 27/07/2021 06:36

Theo các chuyên gia kinh tế, việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch COVID-19 có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế trong thời gian tới. Do đó, tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cần được đẩy nhanh hơn nữa.

Vaccine về đến đâu phải được tiêm hết tới đó

Bản tin y tế sáng 26.7, Bộ Y tế công bố, trong ngày có 77.967 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 4.613.491 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.223.628 liều, tiêm mũi 2 là 389.863 liều.

Có thể thấy, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine COVID-19 là một giải pháp căn cơ, mang tính quyết định quá trình phục hồi kinh tế một cách vững chắc, đồng thời, đời sống người dân cũng được bảo đảm và không ngừng nâng cao.

Trao đổi với Lao Động, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cho rằng, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là những trở ngại không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đến “sức khỏe” của từng doanh nghiệp và người dân. Chính vì vậy, chiến lược tiêm chủng vaccine + 5K sẽ quyết định sự phục hồi kinh tế.

Theo ông Lực, hiện nay Việt Nam chưa có nhiều nguồn vaccine nên với số vaccine hiện có thì cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa. Việc triển khai tiêm không quá nhiều khó khăn nhưng tiến độ hiện tại vẫn đang khá chậm. Do đó, việc tiêm chủng cần được đẩy mạnh hơn, chuẩn bị kỹ hơn như công tác đào tạo, tập huấn và phổ biến cho lực lượng tham gia tiêm chủng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, vật tư y tế phục vụ các dây chuyền tiêm chủng cũng cần đẩy mạnh hơn. Một việc nữa quan trọng không kém là vaccine về đến đâu phải được tiêm hết tới đó.

Ông Lực cho biết, nếu nước ta khống chế tương đối ổn định dịch bệnh trong tháng 8, việc tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng đạt 70% vào quý II/2022 thì tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt từ 5,8-6%. Còn kịch bản tốt nhất thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,5% và xấu nhất chỉ đạt khoảng 5%.

Ông Lực cũng nhấn mạnh, bên cạnh nỗ lực thúc đẩy các động lực tăng trưởng, một trong những ứng phó khẩn cấp nhất hiện nay đối với Việt Nam là vaccine, làm sao để có nguồn vốn, giải ngân nhanh mua vaccine tiêm cho người dân. Trong khi đó, hiện nay các doanh nghiệp đều rất sẵn sàng chi trả chi phí để thực hiện tiêm vaccine cho công nhân. Đây được xem là giải pháp đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người lao động, duy trì hoạt động kinh doanh liên tục, tạo điều kiện đầu tư và thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Để tiếp sức cho doanh nghiệp cũng như cho nền kinh tế thì Chính phủ và các bộ ngành nên khẩn trương triển khai và giải ngân các gói hỗ trợ đối với người lao động mất việc, đặc biệt là những lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, tiến độ, quy mô tiêm chủng và các biện pháp chống dịch COVID-19 của chúng ta hiện nay cũng quyết định mức độ phục hồi kinh tế.

Tỉ lệ tiêm chủng tăng thì nền kinh tế càng sớm trở lại bình thường

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả) cho rằng, hiện nay nước ta đang áp dụng công thức vaccine + 5K để kiểm soát dịch bệnh. Đây được xem là công thức đúng đắn ở thời điểm hiện tại. Bởi hiện nay chỉ khi nào kiểm soát được dịch bệnh thì mới có thể nghĩ tới việc phục hồi và phát triển kinh tế.

Do đó, ông Long cho rằng cần phải coi chiến lược tiêm chủng vaccine là ưu tiên số 1. Các đợt dịch bệnh liên tiếp đã khiến trụ cột chính của nền kinh tế bị lung lay, doanh nghiệp thì kiệt sức. Chính vì vậy, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ phụ thuộc rất lớn vào một chiến lược vaccine.

"Tốc độ phục hồi nền kinh tế sẽ phụ thuộc và có mối quan hệ chặt chẽ với với tiến độ triển khai vaccine. Tỷ lệ tiêm chủng trong dân số càng tăng thì nền kinh tế càng sớm trở lại trạng thái bình thường" - ông Long nhấn mạnh.

Các đối tượng cần được ưu tiên bảo vệ hiện nay chính là doanh nghiệp và người lao động. Cần đặc biệt quan tâm trong việc phòng chống dịch, ổn định sản xuất để tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng. Bởi mỗi doanh nghiệp có đến cả ngàn công nhân đang làm việc nên trường hợp người mắc COVID-19 rất dễ xảy ra.

Cũng theo vị chuyên gia kinh tế, để đáp ứng tiến độ tiêm chủng khi vaccine về nhiều thì cần huy động toàn bộ cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn để phối hợp thực hiện tiêm chủng trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, có thể sử dụng chính các nhà văn hoá, nhà cộng đồng, thậm chí cả các nhà máy để làm nơi tiêm chủng. Các điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, khu vực theo dõi sau tiêm.

Về đối tượng, ông Long cho rằng hiện nay cần tập trung cho các cộng đồng dân cư và các khu công nghiệp. Đây là những nơi tập trung đông dân cư, công nhân và người lao động nhất nên tiến độ sẽ được đẩy nhanh hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn