MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ths. BS Nguyễn Trọng An – Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em. (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Tổng đài bảo vệ trẻ em kém hiệu quả: Đừng đổ lỗi cho Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Dung Hà LDO | 14/12/2017 19:00

Không thể đổ lỗi cho Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em khi trẻ không biết đến đường dây nóng tổng đài bảo vệ trẻ em - là ý kiến của Th.S. BS Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, và Chăm sóc trẻ em trước ý kiến đường dây này hoạt động kém hiệu quả.

Theo đó, tổng đài 18001567 nay là tổng đài 111 là nơi tiếp nhận thông tin của trẻ em, người dân, sau đó tư vấn viên sẽ phân loại, đánh giá nguy cơ, mức độ xâm hại của trẻ, kết nối với cán bộ phụ trách trẻ em cấp xã để vào cuộc. Tuy nhiên thực tế cho thấy nhiều em nhỏ và người dân vẫn chưa biết đến đường dây này.

Nói về điều này, Th.S, BS Nguyễn Trọng An cho biết, đường dây này đã được phổ cập hơn 10 năm nay và mở rộng trên phạm vi toàn quốc. “Để xảy ra tình trạng các em nhỏ không biết đến đường dây này phải quy trách nhiệm đến nhà trường đã không truyền thông tốt cho trẻ cũng như dạy trẻ các kĩ năng bảo vệ mình. Giáo dục gia đình là vấn đề quan trọng nhưng bên cạnh đó còn có giáo dục nhà trường, hỗ trợ bé các kĩ năng. Không thể đổ hết lỗi cho bên Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em trong vấn đề này” – ông An khẳng định.

Phân tích thêm về các vụ bạo hành trẻ em đang diễn ra phổ biến hiện nay, ông An cho rằng Hội Bảo vệ quyền trẻ em có chức năng giám sát, theo dõi và bảo vệ trẻ em nhưng trong thời gian vừa qua, trong hầu hết các vụ việc đánh đập, bạo hành thì sự lên tiếng của Hội bảo vệ quyền trẻ em rất chậm trễ.

“Trong luật có 3 cấp độ bảo vệ trẻ em, đầu tiên là cấp độ phòng ngừa – tôi cho rằng cấp độ này chúng ta đang quá yếu, đội ngũ cán bộ, CTV tại cộng đồng làm nhiệm vụ phát hiện sớm, ngăn ngừa và giải quyết sớm các vụ việc bạo hành đã bị giải tán từ năm 2007, bây giờ có hồi phục lại nhưng rất mỏng và yếu. Ở cấp độ 2 là cấp can thiệp và giảm thiểu tác hại, ở đây vai trò của các hội đang rất yếu đuối và rất chậm trễ. Còn ở cấp độ 3, là cấp độ trợ giúp cả về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ nhưng đều là khi sự việc đã xảy ra rồi” - ông An phân tích.

Ông An nói thêm, hiện nay đa số chúng ta mới đang dừng lại ở cấp độ 3, cấp độ 2 yếu đuối và cấp độ 1 thì quá yếu đuối. Những vụ việc trẻ em bị bạo hành hay xảy ra ở những gia đình có khiếm khuyết như bố mẹ li thân, li dị, những trường hợp này rất cần một đội ngũ để phát hiện nhưng chúng ta đang thiếu và yếu, hiện nay chúng ta đang làm ngược, khi xảy ra rồi mới vào cuộc.

Để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình đang diễn ra như hiện nay, ông An cho rằng ngoài việc tập trung giáo dục trong gia đình thì cần đẩy mạnh giáo dục trong nhà trường. Các thầy cô giáo nên dạy cho các em những kỹ năng từ phòng tránh bạo lực đến phòng tránh xâm hạị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn