MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tổng rà soát tình hình cây xanh trong trường học ở TPHCM

NGUYỄN HỮU HUY LDO | 18/06/2020 13:01

Ngày 18.6, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết vừa yêu cầu các cơ sở đào tạo báo cáo tình hình cây xanh được trồng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn  thành phố.

Nhằm rà soát tình hình quản lý, chăm sóc và thực trạng cây xanh được trồng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị thủ trưởng các cơ sở giáo dục báo cáo tình hình quản lý, chăm sóc và thực trạng cây xanh tại đơn vị.

Cụ thể, các cơ sở giáo dục phải báo cáo cụ thể tổng số lượng và chủng loại cây bóng mát; số lượng cây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đã xử lý và số lượng cây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn chưa xử lý (nếu có).

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT TPHCM nhắc nhở các cơ sở giáo dục phải báo cáo cụ thể về tên đơn vị phối hợp cắt tỉa, chăm sóc cây tại trường năm học 2019 – 2020, tổng kinh phí chăm sóc, cắt tỉa, mé nhánh, đốn hạ... cây xanh/năm (hợp đồng năm học 2019 - 2020) và thời điểm chăm sóc, mé nhánh, tỉa cành, đốn hạ, bảo quản... gần nhất.

Sở GD&ĐT thành phố lưu ý Phòng Giáo dục và Đào tạo nhắc nhở các đơn vị trực thuộc thực hiện báo cáo đúng theo tiến độ quy định. Hạn chót thực hiện việc báo cáo đến ngày 22.6.

Cây xanh tại trường THPT Trưng Vương, quận 1 được cắt tỉa cành nhánh. Ảnh: THPT Trưng Vương

Trước đó, từ ngày 27 đến 29.5, Sở Xây dựng TPHCM đã phối hợp với các sở, ngành và UBND quận, huyện tổ chức khảo sát công tác quản lý, chăm sóc cây xanh tại 21 trường học tại các Quận 1, 3, 4, 5, 10 và Bình Thạnh. Tổng cộng 432 cây xanh bóng mát được rà soát, chủ yếu là các loại như phượng, bàng, bằng lăng, sọ khỉ, dầu, me tây…

Theo Sở Xây dựng TPHCM về công tác quản lý, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường do các trường tự quản lý, chăm sóc. Đa số các trường thực hiện công tác cắt tỉa cây xanh khoảng 1 lần/năm, phần lớn các trường thuê cá nhân, đơn vị thực hiện công tác cắt tỉa, đốn hạ cây xanh khi cần thực hiện.

Tuy nhiên, các cây xanh được cắt tỉa chưa đúng kỹ thuật nhiều trường hợp cây bị cắt trụi cành nhánh - gây mất mỹ quan và sức sống của cây. Về lâu dài, các cành nhánh sẽ mọc nhiều tại chỗ cắt, các cành nhánh này dễ gãy gây nguy hiểm cho học sinh, nhất là đối với các cây cao như sọ khi, me tây....

Đa số các cây được trồng trong các bồn xây cao (bồn cao khoảng 30cm - 60cm), thường được sử dụng làm chỗ ngồi cho các em học sinh. Một số cây trong bồn gốc cây cao có hệ rễ sẽ bị bó trong bồn, rễ khó mọc lan ra bên ngoài.

Qua kết quả khảo sát, Sở Xây dựng TPHCM đề nghị nhà trường cần hợp đồng với đơn vị có năng lực chuyên môn về chăm sóc cây xanh. Đối với các cây trồng lâu năm (trên 20 năm), kích thước lớn, trồng trong bồn xây cao, rễ không lan rộng, hoặc cây bị sâu bệnh cần được theo dõi kỹ lưỡng. Các cây có độ cao như sọ khỉ, dầu, me tây… phải được kiểm tra thường xuyên, kịp tời cắt tỉa tán cây và nhánh cây khô.

Về việc trồng bổ sung hoặc thay thế cây xanh đã đốn hạ cần nghiên cứu kỹ đặc tính của chủng loại cây trồng phù hợp với điều kiện, vị trí dự kiến trồng cây để cây xanh phát triển đạt hiệu quả về mặt cảnh quan, phát triển lâu dài và đảm bảo an toàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn