MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với báo chí trong buổi họp báo bế mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Lê Bảo

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói về đề xuất thu "phí chia tay"

Đ.Chung-C.Nguyên-T.Trung LDO | 14/06/2019 18:18

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cá nhân ông không đồng tình với đề xuất thu "phí chia tay" của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng.

Tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều 14.6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nêu quan điểm khi phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến đề xuất thu “phí chia tay” của đại biểu Quốc hội.

Ông khẳng định: “Cá nhân tôi không đồng tình, chúng ta không nên áp dụng thêm một phí nào nữa cho người dân”.

Tổng Thư ký cho hay, đại biểu Quốc hội phát biểu, đề xuất như vậy là quyền của đại biểu và Chính phủ có tiếp thu hay không thuộc về Chính phủ. “Cá nhân tôi không đồng tình, nếu biểu quyết tôi không đồng tình” – Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng, đề xuất của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) về việc thu "phí chia tay" đã có một số nước áp dụng.

Tuy nhiên, mỗi giải pháp có thể đúng ở đất nước này song chưa chắc đã áp dụng tốt ở quốc gia khác. Vì vậy, áp dụng những kinh nghiệm của nước ngoài vào Việt Nam cần phải có đánh giá tác động, cân nhắc thận trọng xem phù hợp hay không.

 Đại biểu Phạm Tất Thắng  cho rằng cần cân nhắc thận trọng với đề xuất thu "phí chia tay". Ảnh:Quochoi.vn

Ông Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, đề xuất là quyền của đại biểu, còn đề xuất đó có nhận được sự ủng hộ hay không còn phụ thuộc vào quá trình xem xét của ban soạn thảo. Đề xuất phải thuyết phục số đông đại biểu thì mới được đưa vào luật.

Cũng bày tỏ quan điểm về đề xuất thu "phí chia tay", ông Phạm Văn Hoà - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp - cho rằng, dù chỉ 3 đến 5 USD, nhưng đây là vấn đề tế nhị, cần phải lấy ý kiến công dân, xem người xuất cảnh có vui vẻ chấp nhận khoản phí này không.

"Đại biểu Hưng nói khoản phí này sẽ giúp đầu tư máy móc để đảm bảo công dân xuất cảnh được phục vụ chu đáo hơn, nhân viên xuất nhập cảnh tươi cười, ân cần hơn. Tôi thấy không hợp lý vì đầu tư thiết bị và chế độ, chính sách đã có ngân sách chi trả"- đại biểu Hòa chia sẻ.

Trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 12.6 về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) đã đề nghị bổ sung thêm quy định thu "phí chia tay" với công dân khi xuất cảnh ra nước ngoài khoảng 3 - 5 USD/người. Đề xuất này đã nhận được sự quan tâm dư luận xã hội.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng chia sẻ đề xuất này mới dừng ở ý tưởng, còn quy định cụ thể, cách thức như thế nào thì cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, làm sao cho thuận tiện nhất.

Cũng theo ông Hưng, thực ra đây là một khoản không nhiều. Một bữa ăn sáng thôi, chúng ta gọi là đóng góp chung tay, chung sức xây dựng, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam được tốt hơn. Đồng thời để giữ gìn môi trường du lịch, văn hóa của Việt Nam thuận lợi hơn rất nhiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn