MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án Vành đai 3 còn thiếu cát đắp nền đường để khởi công cuối tháng 6 năm nay. Ảnh: Minh Quân

TP Hồ Chí Minh muốn khai thác cát hồ Dầu Tiếng làm dự án Vành đai 3

MINH QUÂN LDO | 10/04/2023 19:34

Ngày 10.4, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường ký công văn khẩn đến UBND các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh về sử dụng nguồn cát tại hồ Dầu Tiếng cho dự án Vành đai 3.

Theo ước tính, khối lượng vật liệu xây dựng thông thường cần thiết phục vụ cho dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh bao gồm 4 loại: Đất đắp nền đường khoảng 1,67 triệu m3; cát đắp nền đường khoảng 7,23 triệu m3; cát xây dựng khoảng 1,5 triệu m3; đá xây dựng khoảng 4,4 triệu m3.

Qua quá trình làm việc với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, An Giang cho thấy, vật liệu đá xây dựng, cát xây dựng và đất đắp nền đường đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của dự án.

Tuy nhiên, nhu cầu về cát đắp nền đường cho dự án còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp.

Trước đó, ngày 13.3, phát biểu tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về các dự án trọng điểm, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trước tình hình nguồn cung cấp vật liệu cát gặp nhiều khó khăn do có nhiều dự án đường cao tốc đang triển khai, chủ đầu tư dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh nên tính đến phương án sử dụng nguồn cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng (thuộc 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước) để phục vụ cho dự án.

Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước quan tâm và sớm có chủ trương cho phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng, cát đắp nền) tại khu vực hồ Dầu Tiếng để phục vụ cho dự án đường Vành đai 3.

TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin về các mỏ cát khu vực hồ Dầu Tiếng (giấy phép khai thác, giấy phép thăm dò, trữ lượng quy hoạch, trữ lượng khai thác, thông tin về chủ mỏ cát); phối hợp và hỗ trợ với Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án đường Vành đai 3 khảo sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng nguồn cát khu vực hồ Dầu Tiếng.

Trước đó, thông tin về tình hình vật liệu cho dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh tại cuộc họp báo chiều ngày 6.4, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết tính đến thời điểm hiện tại, nguồn vật liệu đã đáp ứng đủ và sẵn sàng phục vụ khởi công dự án trong tháng 6.2023. Trong đó, cát đắp nền đạt 5,8/7,23 triệu m3 (chiếm 80,5%).

Vành đai 3 qua TP Hồ Chí Minh dài hơn 76 km, đi qua TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỉ đồng (giai đoạn một).

Trong đó đoạn qua TP Hồ Chí Minh dài hơn 47 km, với tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỉ đồng (chi phí xây dựng hơn 22.400 tỉ đồng và hơn 18.000 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng).

Dự án được chia làm 2 dự án thành phần gồm xây lắp và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Dự kiến, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ phê duyệt chính sách bồi thường ngày 25.4, bắt đầu chi trả (đợt 1) từ ngày 25.4 - 25.5.

Mục tiêu đặt ra là trước ngày 30.6, các địa phương tuyến đường đi qua giao 90% mặt bằng, 10% còn lại sẽ hoàn tất vào cuối năm.

Về gói thầu xây lắp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) đang phối hợp với tư vấn hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật 4 gói thầu phục vụ khởi công ngày 30.6 để trình thẩm định, phê duyệt.

Dự án Vành đai 3 sẽ khởi công giữa năm nay, cơ bản thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào tháng 6.2025, hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 6.2026.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn