MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu chấm dứt tình trạng cơ quan nhà nước ngâm hồ sơ. Ảnh: Minh Quân

TP Hồ Chí Minh ra văn bản khẩn yêu cầu chấm dứt việc chậm giải quyết hồ sơ

MINH QUÂN LDO | 05/04/2023 19:55

TP Hồ Chí Minh - Cơ quan nhà nước khi tiếp nhận hồ sơ của người dân, doanh nghiệp nếu thấy vượt thẩm quyền thì chậm nhất 5 ngày từ khi tiếp nhận phải báo cáo UBND thành phố, Thường trực UBND thành phố xem xét, chỉ đạo, không được "ngâm" hồ sơ, chậm giải quyết hồ sơ rồi để đó.

Ngày 5.4, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi ký văn bản khẩn gửi thủ trưởng các Sở, ban, ngành, người đứng đầu doanh nghiệp, Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức về một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ.

Theo đó, trước ngày 10.4, thủ trưởng các đơn vị báo cáo Thường trực UBND thành phố về số lượng, danh mục các công việc còn tồn đọng; đồng thời chủ động giải quyết và thực hiện chế độ báo cáo nội dung này định kỳ 2 tuần/lần đến lãnh đạo Thường trực UBND thành phố phụ trách.

Đối với các nhiệm vụ được giao đã quá thời hạn nhưng chưa hoàn thành, chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày quá thời hạn được giao, thủ trưởng đơn vị phải có báo cáo cho UBND và Thường trực UBND thành phố phụ trách để xem xét, chỉ đạo.

Nội dung báo cáo phải đảm bảo các yếu tố: nội dung được giao, tiến độ được giao; lý do vì sao chưa hoàn thành, đánh giá nguyên nhân; cam kết, chịu trách nhiệm về tiến độ hoàn thành; kiến nghị, đề xuất tháo gỡ (nếu có).

Đối với các hồ sơ công việc do đơn vị tiếp nhận, sau khi xem xét, đánh giá, vượt thẩm quyền thì chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ phải kịp thời báo cáo, xác định rõ cơ sở pháp lý của nội dung vượt thẩm quyền. Từ đó báo cáo, đề xuất UBND và Thường trực UBND thành phố phụ trách để xem xét, chỉ đạo; không được lưu hồ sơ hoặc giữ hồ sơ quá thời hạn nêu trên mà không có ý kiến.

Đối với văn bản do các cơ quan gửi đến lấy ý kiến phải có phản hồi ý kiến chính thức bằng văn bản cho đơn vị (đồng ý hoặc không đồng ý, không trả lời chung chung). Thời hạn phản hồi theo quy định pháp luật, trường hợp quy định pháp luật không có quy định thì chậm nhất sau 10 ngày làm việc phải phản hồi bằng văn bản.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ tại từng đơn vị, đối với các công việc có tính chất nhạy cảm, phức tạp, khó khăn, có vướng mắc về pháp lý qua nhiều thời kỳ thì thủ trưởng đơn vị cần tập trung chỉ đạo tháo gỡ nhưng vẫn phải xác định thời gian hoàn thành cụ thể hoặc xin ý kiến chỉ đạo.

Phát biểu kết luận tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 20 tổ chức ngày 4.4, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nêu thực tế đáng lo ngại là doanh nghiệp, người dân vẫn còn than phiền nhiều về sự chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, thực tế tại nơi này nơi khác cũng có một bộ phận cán bộ e dè, né tránh theo kiểu “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước vành móng ngựa”. Chuyện sợ vi phạm cũng có điểm tích cực là sợ để tránh nhưng sợ mà không làm gì là hơi quá.

Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định, tập thể Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy sẵn sàng chịu trách nhiệm cho cán bộ gặp rủi ro khi "hành động vì nước, vì dân, vì sự nghiệp chung", không có động cơ cá nhân.

Theo đó, khi công việc xuất hiện tình huống phát sinh, cán bộ phải xem xét kỹ trách nhiệm ở đâu, thẩm quyền thế nào, việc gì còn thiếu. Nếu trong thẩm quyền thì giải quyết, việc còn băn khoăn thì báo cáo lãnh đạo quản lý, việc vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên.

"Quan trọng là phải trả lời dứt khoát được hay không được, chứ ngâm rồi để đó, thì không biết chờ đến khi nào" - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn