MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm tích hợp camera của TPHCM ngoài chức năng hỗ trợ điều tiết giao thông, còn có thể xử lý nâng cao tính năng nhận dạng khuôn mặt, phân tích biển số xe... Ảnh: Minh Quân

TP. Hồ Chí Minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, người dân được hưởng lợi gì?

MINH QUÂN LDO | 25/09/2019 18:48
TP.Hồ Chí Minh đang tiến tới đẩy mạnh hợp tác, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, an toàn trật tự...

Ngày 25.9, UBND TP.Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế "Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - Khuyến cáo cho TP.Hồ Chí Minh".

Tại hội thảo, PGS-TS Tăng Chí Thượng -  Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, cho biết ứng dụng AI đã được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115.

Đồng thời, AI cũng được thử nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư tại Bệnh viện Ung bướu.

Ứng dụng AI trong phẫu thuật u não bằng robot tại Bệnh viện Nhân dân 115 Ảnh: B.V

Theo ông Tăng Chí Thượng, xu thế tại TP.Hồ Chí Minh là phải áp dụng AI trong y tế. Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện lấy nguyên lý AI làm nên những ứng dụng nhỏ trước.

Nhiều bệnh viện tại thành phố đã xây dựng và cài đặt hệ thống nhắc về liều lượng thuốc, nhắc kê đơn những thuốc có cùng hoạt chất, nhắc thuốc có nhiều tác dụng phụ,… điều này đã góp phần giảm nguy cơ sai sót trong kê đơn của các bác sĩ.

Ở lĩnh vực giao thông, PGS.TS Thoại Nam – Trường đại học Bách Khoa (Đại học quốc gia TPHCM), cho biết, hệ thống giao thông tại thành phố đang được trang bị nhiều camera và dữ liệu camera được tập trung về Trung điều hành giao thông thông minh.

Việc ứng dụng AI phân tích dữ liệu camera có thể thu thập tự động các thông số liên quan về giao thông như: loại xe, mật độ, lưu lượng, hướng di chuyển,... Từ các kết quả phân tích này có thể giúp điều hành hệ thống giao thông tốt hơn.

Ngoài việc sử dụng hình ảnh từ camera, các giải thuật AI cũng có thể được áp dụng trên dữ liệu GPS của các phương tiện giao thông, điện thoại thông minh của người dùng. Từ việc phân tích dữ liệu, hệ thống có thể xác định được hiện trạng giao thông hiện tại và dự báo được xu hướng ùn tắc giao thông trong tương lai gần.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta đã bỏ lỡ 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, kết quả là hiện nay chúng ta vẫn đang phải bắt đầu bằng những công đoạn khá lạc hậu. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cho TP.Hồ Chí Minh một cơ hội và thành phố sẽ quyết tâm thực hiện chương trình AI. 

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Phong, từ năm 2017, TP.Hồ Chí Minh đã tích hợp ứng dụng AI để xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.

Điều này được kỳ vọng như một trong những hạt nhân để phát triển TP.Hồ Chí Minh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền tảng triển khai thành công Đề án Đô thị thông minh. “Sau hội thảo thành phố sẽ xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI, thành lập trung tâm AI trong thời gian tới” – ông Phong – nói.

Lãnh đạo TPHCM cùng lãnh đạo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tham dự hội thảo

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, bước vào cách mạng công nghệ 4.0 thì không thể không nghiên cứu ứng dụng AI và thành phố sẽ dành ưu tiên thúc đẩy AI.

Với dân số hơn 10 triệu người, thị trường tại chỗ, nguồn lực kinh tế lớn mạnh là những thuận lợi rất lớn để hình thành Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhằm ứng dụng vào thực tiễn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn