MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Cần Giờ dự kiến triển khai trong giai đoạn 2024 - 2028. Ảnh: Sở QHKT TPHCM

TP Hồ Chí Minh xây cầu, mở đường tiến ra biển

Sơn Hà LDO | 22/05/2023 06:16

Ngoài khu đô thị lấn biển rộng gần 3.000 ha với tổng mức đầu tư 217.000 tỉ đồng, TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tổng vốn hơn 5,4 tỉ USD tại huyện Cần Giờ để hiện thực hóa giấc mơ hướng ra biển.

Đến Cần Giờ phải chờ phà 2-3 tiếng

Từ trung tâm TP Hồ Chí Minh muốn qua huyện Cần Giờ, người dân chỉ có lựa chọn duy nhất là qua phà Bình Khánh. Thông thường, để qua được phà, lúc thông thoáng cũng phải mất khoảng 30 phút, bao gồm thời gian chờ đợi, mua vé, soát vé, lên xuống phà, phà chạy. Vào những dịp lễ tết, để qua phà, dòng người, xe phải xếp hàng dài nhiều cây số trên đường Huỳnh Tấn Phát, có khi phải mất 2-3 giờ mới lên được phà.

Tương lai dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ hình thành với dân số hơn 228.000 người, chưa kể lượng lớn khách du lịch đổ về đây sẽ khiến hạ tầng càng quá tải.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh - cho rằng, nếu không phá vỡ thế cách trở sông nước thì chưa thể nói đến việc phát triển Cần Giờ. Từ nhiều năm trước, UBND TP Hồ Chí Minh đã tính đến việc xây cầu Cần Giờ, dự án đường cao tốc Long Thành - Bến Lức cũng dự kiến xây cầu Bình Khánh nối Cần Giờ với Nhà Bè. Tuy nhiên đến nay, cầu Cần Giờ đang nằm trên giấy, còn cầu Bình Khánh dang dở chưa hoàn thành.

"Không thể hấp dẫn người dân khi mà thời gian đi Cần Giờ có khi còn lâu hơn đi Vũng Tàu, Long Hải. Phải có kết nối đường bộ sao cho du khách đến được Cần Giờ nhanh nhất, chủ động nhất. Khi đã có định hướng thì đầu tư càng sớm, càng mang lại nhiều lợi ích” - ông Mười nói.

Trong khi đó, ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP Hồ Chí Minh - cho hay, hạ tầng giao thông gần 50 km cầu đường ở huyện Cần Giờ hiện không đủ tiêu chuẩn để "gánh" các dòng xe container khi cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến khai thác năm 2027. Chưa kể, các cầu vượt qua sông Lòng Tàu, Soài Rạp, cầu Cần Giờ không rõ đến khi nào mới được thông xe.

"Cảng Cần Giờ muốn phát triển ngoài đường bộ và đường thủy cần có tuyến đường sắt kết nối” - ông Trường nói.

Kỳ vọng cầu Cần Giờ

Ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết: Hiện nay huyện Cần Giờ đang trong quá trình lập quy hoạch vùng huyện. Dự kiến được phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện trong năm 2023.

“Sau khi quy hoạch vùng huyện được phê duyệt, huyện sẽ triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Trong đó, ưu tiên dự án đường Rừng Sác trên cao, các dự án đường vành đai phía đông và phía tây, xây dựng nút giao thông kết nối đường Rừng Sác với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, mở tuyến phà kết nối liên vùng với huyện Gò Công Đông (Tiền Giang)” - ông Triển cho biết.

Thoe ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh hiện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đang triển khai công tác lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu này.

Theo kế hoạch, dự án cầu Cần Giờ sẽ được thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm nay. Giai đoạn 2023 - 2024, thành phố tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi và lựa chọn nhà đầu tư để khởi công cầu Cần Giờ năm 2025.

Ông Bằng thông tin, cầu Cần Giờ đã được đề xuất đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước với nguồn vốn trên 10.000 tỉ đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Dự kiến hoàn thành năm 2028 thay thế cho phà Bình Khánh.

* Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên về quy hoạch - cho rằng, khi xây cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cần tách biệt hệ thống giao thông vận chuyển hàng hóa ra vào cảng với giao thông đô thị xung quanh để nâng cao hiệu quả logistics, đảm bảo an toàn cho người dân và môi trường sinh thái.

"Cần nghiên cứu phát triển cảng trung chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường thủy, hạn chế tối đa việc vận chuyển đường bộ bởi hàng đoàn xe container vận chuyển hàng hóa có thể “băm nát” Cần Giờ như thường thấy xung quanh các cảng hiện hữu" - ông Sơn nói.

* Cần Giờ cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 50 km, là huyện duy nhất của thành phố giáp biển với 23 km bờ biển. Địa phương có tổng diện tích hơn 71.300 ha, trong đó trên 70% là rừng ngập mặn và sông rạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn