MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án metro số 2 tại TPHCM qua địa bàn quận Tân Bình vẫn còn vướng một số căn nhà chưa giải tỏa. Ảnh: Minh Quân

TPHCM: 3 “cửa ải” khiến tuyến metro số 2 lùi thời gian về đích

HUYỀN TRÂN - MINH QUÂN LDO | 22/12/2021 10:07
Được phê duyệt cách đây 11 năm (2010), dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) được kỳ vọng giải bài toán ách tắc ở cửa ngõ Tây Bắc TPHCM. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng chậm, hợp đồng tư vấn gián đoạn cùng vướng mắc trong việc bố trí nguồn vốn đang là 3 “cửa ải” cản trở ngày khởi công và có thể kéo dài thời gian hoàn thành dự án đến năm 2030.

“Tắc” giải phóng mặt bằng

Tuyến metro số 2 đi qua 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú với 586 trường hợp bị ảnh hưởng. TPHCM từng đề nghị các quận, đơn vị liên quan phải hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng vào giữa năm 2020. Đến nay, có 487 hộ đã giao đất (đạt hơn 83%).

Vướng mắc lớn nhất hiện ở quận 3 do trước đây từng thực hiện các thủ tục chi trả bồi thường nhưng sau đó pháp lý dự án thay đổi nên địa phương phải cập nhật lại chính sách để đảm bảo quyền lợi người dân. Quận này có 113 trường hợp bị ảnh hưởng, hiện 37 hộ đã giao mặt bằng. Hiện quận 3 đã trình phương án bồi thường mới, chờ UBND TPHCM phê duyệt để tiến hành bồi thường, thu hồi mặt bằng các trường hợp còn lại.

Theo BQL đường sắt đô thị TPHCM (MAUR - chủ đầu tư), công tác giải phóng mặt bằng ì ạch dẫn đến công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu chính của dự án triển khai chậm hơn so với kế hoạch.

Không chỉ riêng mặt bằng, việc Tư vấn IC dừng hỗ trợ dự án từ năm 2018 đã ảnh hưởng đến việc chuẩn bị hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, chấm thầu, trao thầu,… của các gói thầu chính.

Được biết, hợp đồng CS2 tư vấn thực hiện dự án (Tư vấn IC) của metro số 2 có hai giai đoạn, trong đó giai đoạn A (thiết kế và hỗ trợ cho việc đấu thầu các gói thầu chính) và giai đoạn B (giám sát thực hiện xây dựng dự án). Hiện tư vấn IC đang trong giai đoạn thực hiện giai đoạn A của hợp đồng. Tuy nhiên, do việc phê duyệt điều chỉnh dự án kéo dài ảnh hưởng tiến độ dự án cùng với một số phát sinh khác từ quá trình triển khai dẫn đến phát sinh phụ lục hợp đồng số 13 với tư vấn IC.

Từ năm 2020 đến 2021, hai bên đã tiến hành các cuộc đàm phán để thương thảo phụ lục hợp đồng số 13, nhưng chưa đạt được các thỏa thuận chung. Vào tháng 5.2021, TPHCM thống nhất chủ trương kết thúc đàm phán phụ lục hợp đồng số 13 và thực hiện các thủ tục kết thúc hợp đồng với tư vấn IC. Tuy nhiên, tư vấn IC sau đó đã có đề nghị mở đàm phán lại để có thể hoàn thành giai đoạn A (thiết kế và hỗ trợ cho việc đấu thầu các gói thầu chính) với sự sẵn sàng hợp tác. Hiện MAUR đang xem xét và tiếp tục làm việc với tư vấn về các vấn đề vướng mắc của hợp đồng để tiến tới việc tiếp tục đàm phán.

Chưa bố trí được nguồn vốn

“Cửa ải” thứ ba của tuyến metro số 2 liên quan đến việc bố trí nguồn vốn. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỉ USD, sau đó điều chỉnh lên 2,1 tỉ USD (gần 47.900 tỉ đồng) vào cuối năm 2019. Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cùng hai Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) tài trợ cho dự án gần 37.500 tỉ đồng, còn lại hơn 10.400 tỉ đồng là vốn đối ứng từ phía Việt Nam.

Metro số 2 trước đó ký hai khoản vay với KfW, tổng trị giá 313 triệu USD, dùng cho phần việc tư vấn và các hạng mục cơ điện. Hai khoản vay này hết hiệu lực cuối năm 2020 nhưng chưa được gia hạn dẫn đến dự án chưa được bố trí vốn trung hạn ODA cấp phát 2021 - 2025.

Ngoài ra, hồi tháng 8.2020, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý huỷ trước hạn số tiền 390 triệu USD thuộc hiệp định vay của ADB tài trợ cho dự án. Việc hủy khoản vay này, MAUR cho biết sẽ thay thế bằng phần vay khác của ADB trị giá khoảng 1 tỉ USD (khoảng 23.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, đến nay việc thẩm định lại điều kiện vay vốn của ADB vẫn chưa xong.

Theo MAUR, với các vướng mắc trên, dù dự án metro số 2 được phê duyệt với thời gian hoàn thành vào năm 2026 nhưng có thể kéo dài thời gian hoàn thành đến năm 2030. Hiện MAUR đang rà soát tình hình thực hiện để tổng hợp, trình UBND TPHCM điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

Theo ông Hà Ngọc Trường - Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TPHCM, tuyến metro số 1, 2 chậm tiến độ sẽ làm thành phố mất tín nhiệm với các nhà tài trợ của các dự án đang thực hiện và các công trình trọng điểm sắp tới. “Sự chậm trễ tuyến 1 và tuyến 2 đã khiến nhiều nhà đầu tư ở các tuyến metro khác đang lo ngại. Ví như trước đây, một số nhà đầu tư đã lập dự án các tuyến metro khác tại TPHCM nhưng do cơ chế đã khiến họ tạm ngưng, chờ tiếp” - ông Trường nói. Theo ông Trường, TPHCM và Trung ương cần đẩy nhanh tháo gỡ các khó khăn để dự án metro số 2 có thể sớm khởi công và hoàn thành đúng kế hoạch, không thể “mất thêm niềm tin” với các nhà tài trợ.

Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức nhấn mạnh các tuyến metro muốn thu hút nhiều người phải tạo thành mạng lưới để di chuyển nhanh nhất có thể. Do đó, TPHCM phải nhanh chóng xây dựng tuyến số 2 kịp kết nối với tuyến số 1 và rút ngắn thời gian hình thành mạng lưới càng sớm càng tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn