MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án đường Vành đai 2, đoạn 3 dài 2,75km từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP.Thủ Đức, TPHCM) đang tạm dừng thi công. Ảnh: Phạm Nguyễn

TPHCM: 3 tuyến đường Vành đai dang dở chưa rõ ngày kết thúc

MINH QUÂN LDO | 28/05/2021 17:17

Theo quy hoạch, TPHCM sẽ có 3 tuyến đường Vành đai với tổng chiều dài khoảng 356km. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đưa vào khai thác được khoảng 71km (Vành đai 2 khoảng 55 km, Vành đai 3 hơn 16 km), đường Vành đai 4 đang trong quá trình chuẩn bị dự án, chưa được đầu tư xây dựng.

Đường Vành đai 2

This browser does not support the video element.

Video: Cảnh hoang tàn của công trường dự án Vành đai 2. Thực hiện: Minh Quân

Tuyến đường Vành đai 2 được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài 64,1km, quy mô 6-10 làn xe. Tuy nhiên, đến nay toàn tuyến mới xong 50km, còn 14km chia làm 4 đoạn chưa hoàn thành, khép kín.

Cụ thể, dự án đoạn 1, từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dài 3,5km có tổng mức đầu tư 9.047 tỉ đồng. Đoạn 2, từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,5km có tổng mức đầu tư 5.569 tỉ đồng. Hai đoạn này đang chờ phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến đầu tư bằng ngân sách.

Đoạn 4, từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh) dài 5,3km, rộng 60m, có tổng mức đầu tư 9.240 tỉ đồng. Hiện Sở GTVT TPHCM đang lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư.

Riêng đoạn 3, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (Thành phố Thủ Đức) dài 2,7km, rộng 67m, đã thi công vào cuối tháng 12.2017. Đến nay, công trình đã thi công đạt 50% nhưng đang phải tạm dừng suốt 2 năm nay để chờ rà soát lại hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), điều chỉnh tổng mức đầu tư. Theo ghi nhận, đến thời điểm này tại công trường dự án giai đoạn 3 vẫn chưa có dấu hiệu thi công trở lại.

Tuyến đường này có vai trò quan trọng giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội đô thành phố khi hạn chế xe chạy qua khu trung tâm. Đây cũng là trục huyết mạch liên kết đường vành đai khác trong tương lai, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông ở Thành phố Thủ Đức.

Đường Vành đai 3

Dài 89km với tổng mức đầu tư 67.341 tỉ đồng, đường Vành đai 3 theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, đi qua Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TPHCM phải được hoàn thành trước năm 2020. Tuy nhiên đến nay, đường này mới chỉ làm được đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài 16,3km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương.

Tuyến Vành đai 3 mới có đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn (Bình Dương) hoàn thành. Ảnh: Gia Minh.

Trong các đoạn còn lại, Bộ Giao thông Vận tải đã duyệt hai dự án thành phần 1A (tỉnh lộ 25B - cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) và 1B (cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức). Các dự án thành phần 2A, 2B, đoạn 3, đoạn 4 đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Tuyến đường vành đai 3 khi được xây dựng hoàn chỉnh sẽ giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, tăng cường kết nối quốc lộ 1, quốc lộ 22 với các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Mộc Bài.

Đường vành đai 4

Tuyến đường này dài 198km, rộng từ 6-8 làn xe, đi qua 5 tỉnh thành: TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư ước tính 100.000 tỉ đồng.

Dự án chia thành 5 đoạn, trong đó mới chỉ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đoạn Bến Lức - Hiệp Phước dài 35,8km, tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỉ đồng

4 đoạn còn lại gồm: đoạn 1 (Phú Mỹ - Trảng Bom), đoạn 2 (Trảng Bom - quốc lộ 13), đoạn 3 (quốc lộ 13 - quốc lộ 22), đoạn 4 (quốc lộ 22 - Bến Lức) là chưa nghiên cứu.

Đường vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối các đô thị vệ tinh giữa TPHCM với các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ kết nối các khu kinh tế trọng điểm với cảng: Hiệp Phước, cảng Long An, Phú Mỹ và sân bay Long Thành, giúp tiết kiệm thời gian vận chuyển, giảm chi phí vận tải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn