MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

TPHCM: 5 năm chưa làm xong hơn 2,7 km đường Vành đai 2

MINH QUÂN LDO | 26/02/2021 07:00

Đoạn đường Vành đai 2 (từ đường Phạm Văn Đồng tới nút giao thông Gò Dưa) dài hơn 2,7 km, tổng đầu tư hơn 2.700 tỉ đồng, động thổ hơn 5 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

This browser does not support the video element.

Video: Cảnh hoang tàn của công trường dự án Vành đai 2. Thực hiện: Minh Quân
Dù được quy hoạch từ năm 2007 nhưng đã hơn 10 năm nay, dự án đường Vành đai 2 ở TPHCM vẫn chưa được khép kín với 4 đoạn còn dang dở. Riêng đoạn 3, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông cầu vượt Gò Dưa (Thành phố Thủ Đức) dài hơn 2,7 km động thổ từ cuối năm 2015, đến năm 2017 thì chính thức khởi công, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: Phạm Nguyễn
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỉ đồng (gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng) đã tạm ngưng thi công hơn 1 năm qua. Theo Sở GTVT TPHCM, dự án có khối lượng thi công đạt gần 44%; công tác chi trả bồi thường hỗ trợ tái định cư đạt gần 79%; diện tích mặt bằng bàn giao thi công đạt gần 75%. Ảnh: Minh Quân
Ghi nhận ngày 25.2, công trường không bóng công nhân, sắt thép gỉ sét, cỏ mọc um tùm,... thoạt nhìn không ai nghĩ đây là dự án được đầu tư cả nghìn tỉ đồng của TPHCM. Ảnh: Minh Quân
Một số chi tiết bê tông làm xong để phơi mưa, nắng theo thời gian. Ảnh: Minh Quân
Một số trang thiết hoen gỉ, “xơ xác” phục vụ thi công còn bỏ lại ở công trường. Ảnh: Minh Quân
Một bãi cọc nền móng công trình thi công dang dở, lâu ngày cỏ mọc ùm tùm. Ông Trần Đức Thắng - Tổng giám đốc Công ty Văn Phú Bắc Ái - nhà đầu tư dự án trên, cho biết đến nay vẫn chưa xác định ngày thi công trở lại cho đến khi công ty và TPHCM hoàn tất rà soát và ký lại phụ lục hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Ảnh: Minh Quân
Người dân tự mở đường để tiện đi lại. Nhà đầu tư cho biết đến nay đã thực hiện với chi phí 1.400 tỉ đồng, trong khi việc thanh toán quỹ đất theo hợp đồng vẫn đang được rà soát. Trong hợp đồng có quy định việc chậm trễ thanh toán quỹ đất sẽ dẫn đến phát sinh lãi vay, TPHCM sẽ chịu khoản lãi phát sinh này. Ảnh: Minh Quân
Do không có người trông coi nên một số hạng mục bê tông trong công trình bị người ngoài vào đập để lấy sắt thép. Ảnh: Minh Quân
Một trong những vướng mắc lớn nhất của dự án vẫn là khâu giải phóng mặt bằng. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm hơn dự tính. Theo kế hoạch, năm 2018 nhà đầu tư nhận được mặt bằng sạch nhưng đến đầu năm 2021 vẫn vướng. Ảnh: Minh Quân
Sở GTVT TPHCM đã kiến nghị các sở ngành sớm hoàn thành rà soát để UBND TPHCM trình Thủ tướng xem xét chấp thuận các khu đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng. Đồng thời, kiến nghị địa phương nhanh chóng bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thi công. Ảnh: Minh Quân

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn