MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc nạo vét kênh được triển khai từ sáng 26.2. Ảnh: PV

TPHCM: Bắt đầu nạo vét bùn và cải tạo môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Huân Cao LDO | 26/02/2020 14:31

Ngày 26.2, Trung tâm Quản lý đường thủy - Sở Giao thông vận tải TPHCM bắt đầu thực hiện nạo vét bùn lắng dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Việc nạo vét này được thực hiện làm 3 giai đoạn với chiều dài 9km, nhằm cải tạo kênh được trong sạch hơn. 

Kế hoạch nạo vét được chia làm 3 đợt và thực hiện trong 75 ngày. Ảnh: PV 

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, trong sáng 26.2 hai sà lan, cùng một máy múc được điều động đến đoạn kênh dưới chân cầu Lê Văn Sỹ (quận 3) để bắt đầu nạo vét dòng kênh. Việc nạo vét này được thực hiện tại 9 km kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đi qua quận 1, 3, Phú Nhuận, Tân Bình và Bình Thạnh.

Kế hoạch nạo vét được chia thành 3 đợt và kéo dài trong 75 ngày. Cụ thể, đợt 1 được nạo vét đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu số 6 (quận Phú Nhuận); đợt 2 nạo vét đoạn từ cầu số 6 đến đường Út Tịch (quận Tân Bình); đợt 3 nạo vét đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến ngã ba sông Sài Gòn (quận 3).

Tổng khối lượng bùn được nạo vét hơn 120.000m3, tổng kinh phí để nạo vét khoảng 36,5 tỉ đồng và được hoàn thành trong 75 ngày. Độ sâu nạo vét dự kiến từ 0,9 đến 1,1 m, bùn được hút lên, sau đó được vận chuyến đến Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước để xử lý.

Kinh phí nạo vét đợt này là hơn 36 tỉ đồng. Ảnh: PV 

Ông Phạm Ngọc Dũng - Giám đốc Trung tâm quản lý đường thủy cho biết, mục đích của việc nạo vét kênh lần này là nhằm đem lại môi trường trong sạch cho dòng kênh. Trong quá trình nạo vét, đơn vị thi công không đưa bùn lên bờ, mà sử dụng chế phẩm sinh học để ngăn mùi hôi và vận chuyển đến khu xử lý tập trung.

Được biết, Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thường xảy ra tình trạng ô nhiễm, dẫn đến cá chết hàng loạt. Chính quyền thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường, giảm thiểu ô nhiễm của tuyến kênh, trong đó việc nạo vét kênh từng được thực hiện trước đây.

Bùn sau khi hút lên được vận chuyển trực tiếp đến khu xử lý tập trung chứ không đưa lên bờ. Ảnh: PV 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn