MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quốc lộ 13 hướng vào trung tâm TPHCM thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm buổi sáng. Ảnh: Minh Quân

TPHCM cần hơn 26.000 tỉ đồng mở rộng 3 tuyến đường cửa ngõ

MINH QUÂN LDO | 27/02/2023 10:17

TPHCM – Quốc lộ 13, 22, 1 cần khoảng 26.200 tỉ đồng để nâng cấp, mở rộng nhằm giảm kẹt xe, tăng kết nối vùng nhưng nhiều năm nay TPHCM chưa cân đối được vốn.

Quốc lộ 13 được coi là "xương sống" nối tỉnh Bình Dương với TPHCM. Trong khi phía tỉnh Bình Dương đã mở rộng 6 làn xe, sắp tới chuẩn bị tăng lên 8 làn xe thì đoạn đường khi về tới Thành phố Thủ Đức (TPHCM) bị "thắt cổ chai" nên thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng.

Dự án mở rộng Quốc lộ 13 được UBND TPHCM đề xuất từ năm 2002, khi đó, chi phí giải phóng mặt bằng chỉ mất khoảng 2.500 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng. Tuy nhiên do một số vướng mắc, công trình chưa triển khai.

Năm 2017, Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tạm dừng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên đường hiện hữu.

Vì vậy, dự án mở rộng Quốc lộ 13 từng được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT, BT phải chuyển sang sử dụng ngân sách.

Sau hơn 20 năm, Quốc lộ 13 vẫn chưa được mở rộng. Ảnh: Minh Quân

Tuy nhiên, đến nay UBND TPHCM vẫn chưa cân đối được vốn. Do chậm triển khai nên sau hơn 20 năm, tổng mức đầu tư dự án đã tăng tới 12.200 tỉ đồng.

Theo đề xuất của Sở GTVT TPHCM, Quốc lộ 13 sẽ mở rộng từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương dài 5,8 km, mở rộng mặt đường từ 19m lên 40 – 60m.

Trong khi đó, Quốc lộ 1 đoạn qua Bình Chánh nhỏ hẹp nên ôtô, xe máy đang phải chạy hỗn hợp, chưa thể lắp dải phân cách. Đoạn quốc lộ này cũng là tuyến huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây TPHCM, mật độ xe cao và đang liên tục gia tăng nên thường xuyên ùn tắc, nhất là các dịp lễ, Tết.

Hiện Quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An được đề xuất mở rộng từ 19m lên 52m, tổng vốn gần 12.900 tỉ đồng.

Quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh (TPHCM) thường xuyên kẹt xe, nhất là dịp lễ Tết. Ảnh: Minh Quân

Tương tự, Quốc lộ 22 là tuyến đường kết nối TPHCM đi Tây Ninh, Campuchia với mật độ xe cao, gây ùn tắc thường xuyên giờ cao điểm.

Sở GTVT TPHCM mới đây đề xuất cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến Vành đai 3) dài khoảng 9,1 km, mở rộng lên 40m. Đồng thời, trên tuyến xây dựng 2 cầu vượt tại nút giao Nguyễn Ảnh Thủ và nút giao Nguyễn Văn Bứa, tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.200 tỉ đồng.

Theo Sở GTVT TPHCM, 3 tuyến quốc lộ trên chậm mở rộng theo quy hoạch vì thiếu vốn. Điều này khiến ùn tắc thường xuyên xảy ra, kìm hãm nhu cầu kết nối giao thông, kinh tế giữa TPHCM và khu vực lân cận.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực giao thông ở TPHCM được bố trí hơn 52.700 tỉ đồng. Mức này dù được ưu tiên, song đáp ứng chưa đến 20% nhu cầu vốn.

Trong bối cảnh TPHCM hiện đang ưu tiên bố trí vốn làm các dự án Vành đai, cao tốc, 3 dự án mở rộng quốc lộ trên vẫn nằm chờ vốn.

Do đó, Sở GTVT TPHCM đang đề xuất cho TPHCM cơ chế đặc thù là được áp dụng trở lại hình thức BOT tại các công trình mở rộng, nâng cấp đường hiện hữu.

Nếu đề xuất này được chấp thuận, TPHCM sẽ huy động vốn xã hội hóa để nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, 22, 1, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn