MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điểm giữ xe máy trên vỉa hè đường Phan Chu Chinh (quận 1, TPHCM) giá “chặt chém” đến 20.000 đồng/xe máy. Ảnh: Minh Quân

TPHCM: Chiếm vỉa hè làm bãi giữ xe để... “chặt chém”

MINH QUÂN - CHÂN PHÚC LDO | 01/04/2021 08:26
Hiện nay, nhiều vỉa hè trên các tuyến đường trung tâm TPHCM bị tận dụng làm bãi giữ xe máy khiến người đi bộ không còn lối đi. Trong đó, có điểm bãi giữ xe máy trên vỉa hè ngang nhiên “chặt chém” với giá cao.

“Giá 10.000 đồng cả năm rồi”

Sáng ngày 31.3, chúng tôi đến đường Hải Triều (phường Bến Nghé, quận 1), tại đây có một bãi giữ xe với cả trăm xe máy dựng thành hàng một hàng dọc và hai hàng ngang trên vỉa hè.

Một người đàn ông tay cầm xấp phiếu giữ xe không có in đơn vị, tổ chức theo quy định, hỏi: “Em gửi xe bao lâu? Chúng tôi nói: “Khoảng 15 phút”. Người này hướng dẫn chúng tôi dắt xe vào một chỗ trống mà khách vừa đi và lấy 10.000 đồng/lượt. Chúng tôi thắc mắc giá cao so với quy định thì người này giải thích: “Ở đây thu 10.000 đồng cả năm nay rồi!”.

Tương tự, một đoạn vỉa hè ở đường Nguyễn Du (phường Bến Nghé) cũng bị chiếm dụng gần hết làm bãi giữ xe. Nhiều người đi bộ phải đi xuống lòng đường trong nỗi lo... bị xe máy tông, nên phải vừa đi vừa ngoái nhìn lại phía sau. Vé xe ở bãi này cũng không ghi đơn vị hay tổ chức nào mà chỉ ghi “Phiếu giữ xe, số xe, đặc điểm”. Gửi xe khoảng 10 phút, chúng tôi lấy xe trở ra thì một phụ nữ ở đây yêu cầu đưa 10.000 đồng.

Tại đường Phan Chu Trinh - đối diện chợ Bến Thành có ít nhất 3 điểm giữ xe máy trên vỉa hè. Ngày 31.3, chúng tôi gửi xe máy tại một trong 3 điểm và bị thu giá 20.000 đồng/xe. Thắc mắc vì sao giá giữ xe máy cao vậy dù không phải ngày lễ Tết, người đàn ông cởi trần đứng ghi vé xe và thu tiền trả lời “giá ở đây là vậy”!

Khu vực gần cổng Bệnh viện Nhân dân 115 (quận 10) và Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5) cũng có những bãi giữ xe lấn chiếm vỉa hè, cản trở lối đi. Theo ghi nhận, nhiều người khi tới cổng bệnh viện, chưa kịp dừng xe thì đã có người chèo kéo tới một bãi giữ xe vỉa hè cạnh bệnh viện. Người dân khi vừa dựng xe xuống, ghi thẻ xong, họ thu ngay 10.000 đồng/xe.

Trong khi đó, vỉa hè tại 2 tuyến đường Thuận Kiều và Nguyễn Chí Thanh (quận 5, TPHCM) đã được lắp đặt rào chắn bằng thép rất kiên cố. Việc này nhằm ngăn cách vỉa hè và lòng đường, tạo lối đi riêng và bảo vệ cho người đi bộ. Tuy nhiên, phía bên hông rào chắn lại có một cánh cửa mở ra để cho xe máy chạy vào để làm bãi giữ xe.

Do đó, một số đoạn vỉa hè sau khi được rào chắn chỉ còn 1/3 lối dành cho người đi bộ, 2/3 còn lại dành để giữ xe. Nhiều người dân ở đây đặt câu hỏi, nếu vỉa hè được rào chắn bảo vệ người đi bộ nhưng bị lấy làm bãi giữ xe thì tạo lối đi dành cho người đi bộ để làm gì? Theo quan sát, người dân đi bộ bên trong rào chắn rất ít, phần lớn là đi xuống lòng đường. Thậm chí, vỉa hè sau khi rào chắn vẫn không ngăn được tình trạng bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè.

Quản lý vỉa hè lề đường bằng quy định mới

Trao đổi với Báo Lao Động - ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM cho biết, chủ trương của TPHCM là không khuyến khích các bãi giữ xe trên vỉa hè vì vỉa hè dành cho người đi bộ. Việc các bãi giữ xe trên vỉa hè mọc lên tràn lan chiếm mất không gian của người đi bộ, làm xấu đi mỹ quan của thành phố cần phải xóa bỏ.

Tuy nhiên, tại những thời điểm TPHCM tổ chức các lễ hội thì cũng cần có những bãi giữ xe tạm thời phục vụ người dân, nhưng những bãi giữ xe này phải do lực lượng TNXP quản lý và giữ miễn phí. Nếu UBND các quận huyện sử dụng vỉa hè vào mục đích khác thì phải thật sự cần thiết và phải được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, tránh bị trục lợi và không để ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mỹ quan đô thị…

Ông Ngô Hải Đường - Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng đường bộ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết Sở đã trình UBND TPHCM dự thảo thay thế Quyết định số 74 ngày 23.10.2008 quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố.

Theo đó, có 3 nhóm đối tượng sử dụng một phần vỉa hè trong khoảng thời gian nhất định có thu phí gồm điểm trung chuyển vật liệu xây dựng, phế thải phục vụ công trình của hộ gia đình (trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau); điểm trông giữ xe có thu phí; hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán hàng hóa (bề rộng hè phố dưới 5m chỉ trông giữ xe 2 bánh, trên 5m thì xem xét cho giữ ôtô). Riêng lòng đường khi sử dụng tạm sẽ thu phí đối với doanh nghiệp có điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt và điểm trông giữ xe có thu phí...

Dự thảo cũng quy định nhóm đối tượng được sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường trong khoảng thời gian nhưng không thu phí (vẫn phải xin giấy phép) tuy nhiên nhóm này cũng phải bảo đảm phần lòng đường còn lại cho phương tiện lưu thông có bề rộng tối thiểu đủ 2 làn ôtô cho một chiều đi và không áp dụng trên các tuyến đường đặc thù do UBND TPHCM quyết định…

"Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông; các trường hợp sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác, trường hợp đặc biệt sẽ do UBND TPHCM quyết định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông" - ông Đường nói.

Nhanh chóng xây dựng các bãi đậu xe ngầm, bãi đậu xe cao tầng

Thực tế cho thấy, TPHCM đang thiếu những bãi giữ xe đúng nghĩa, hoạt động đúng quy định của nhà nước. Cũng vì tình trạng “cung không đủ cầu” nên nhiều người lợi dụng vào kẽ hở này để trục lợi và vỉa hè là nơi dễ bị trục lợi nhất nếu việc quản lý không minh bạch.

Từng quy hoạch hơn 10 bãi đậu xe ngầm trên địa bàn quận 1 trong vòng gần 2 thập niên qua nhưng đến nay, tại TPHCM vẫn chưa có một dự án nào được xây dựng. Nhiều vị trí từng được chọn để quy hoạch bãi đậu xe ngầm đã bị TPHCM hủy bỏ, chỉ còn lại 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, gồm: Công viên Lê Văn Tám, công viên Tao Đàn, khu vực Sân khấu Trống Đồng và Sân vận động Hoa Lư nhưng cũng đang lâm vào tình cảnh “rơi rụng” dần dần.

Trong khi dự án bãi đậu xe ngầm tại Sân khấu Trống Đồng sau hơn 10 năm chật vật gỡ vướng thủ tục thì dự án công viên Lê Văn Tám cũng không khá hơn. Động thổ từ năm 2008, sau 11 năm chật vật đã chính thức chấm dứt hợp đồng với chủ đầu tư hồi tháng 8.2020.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên về quy hoạch đô thị, để giải quyết nhu cầu chỗ đậu xe có thể giải quyết bằng các cách khác như yêu cầu các tòa nhà cao tầng phải có nơi, tầng hầm đảm bảo việc giữ xe của mình và tận dụng các không gian trống khác để giữ xe. Hoặc TPHCM cũng nên cân nhắc việc đầu tư xây các bãi giữ xe nổi như các thành phố lớn Paris (Pháp), New York (Mỹ)… với các bãi xe nổi tầm 5-6 tầng và tất nhiên là giá giữ xe sẽ có mức riêng để thu hút nhà đầu tư.

Đồng quan điểm, Kiến trúc sư Võ Kim Cương - Nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM nhận định nguyên nhân thiếu trầm trọng quỹ đất cho bến bãi đậu xe là trong quá trình đô thị hóa, TPHCM không kiên quyết thực hiện các chỉ tiêu theo quy hoạch, đòi hỏi phải có một diện tích đất cụ thể, tỉ lệ nhất định cho giao thông tĩnh bao gồm bãi đậu xe nói chung và bến bãi cho các loại xe đặc chủng nói riêng.

"Giải pháp trước mắt là nhanh chóng xây dựng các bãi đậu xe ngầm, bãi đậu xe cao tầng phân bổ trải khắp địa bàn TPHCM. Về lâu dài, khi xây dựng các khu đô thị mới, tuyệt đối không để địa phương tự ý thay đổi quy hoạch không gian đô thị, làm biến đổi mục đích sử dụng đất phục vụ giao thông tĩnh" - ông Cương đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn