MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu metro số 1 trên đường ray ở depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức) hồi tháng 10.2020. Ảnh: Minh Quân

TPHCM: Chờ metro giải bài toán giao thông công cộng

MINH QUÂN LDO | 13/02/2021 12:00

Mạng lưới xương sống giao thông công cộng của TPHCM đang dần hình thành khi tuyến metro số 1 đang tăng tốc về đích, tuyến số 2 chuẩn bị khởi công và TPHCM cũng đang tiếp tục xúc tiến đầu tư nhiều tuyến metro quan trọng khác.

Metro số 1 sắp về đích

Một trong những kỳ vọng lớn nhất của TPHCM trong đột phá về giao thông công cộng là tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).

Năm 2020, dù phải đối mặt với đại dịch COVID-19 nhưng Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR) cùng các nhà thầu vẫn nỗ lực đảm bảo tiến độ. Đầu tháng 10.2020, những toa tàu đầu tiên cập cảng quận 4 và được đưa về depot Long Bình để lắp trên đường ray đã giúp cho người dân có một hình dung về loại hình di chuyển hiện đại này.

Nhìn từ trên cao, tuyến metro số 1 đã thành hình với đường ray, các ga dọc theo tuyến; các ga Nhà hát thành phố, ga Ba Son... cũng đã dần hoàn thiện với những trang thiết bị hiện đại.

Toàn bộ 11 nhà ga trên cao của tuyến metro số 1 đã được lắp xong mái che. Ảnh: MAUR

Mới đây, dự án tuyến metro số 1 có một số lùm xùm liên quan đến gối dầm…, việc kiểm tra và đánh giá tác động vẫn đang được các chuyên gia giao thông, các nhà khoa học và MAUR triển khai một cách thận trọng để có đánh giá chính xác nhất.

Tính đến cuối đầu tháng 2.2021, tuyến metro này đã hoàn thành hơn 82% khối lượng. Theo MAUR, dự kiến trong quý 4/2021, metro số 1 sẽ vận hành thử đoạn trên cao từ Bình Thái về depot Long Bình và tiến đến vận hành thử toàn tuyến cuối năm 2021.

Các quận - huyện nơi tuyến metro số 2 đi qua đang khẩn trương bàn giao mặt bằng để khởi công xây dựng vào tháng 6.2021. Ảnh: Minh Quân

Trong khi tuyến số 1 đang về đích, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng đang rốt ráo “vượt ải” giải phóng mặt bằng để có thể khởi công đúng hẹn vào tháng 6.2021.

Theo thông tin từ MAUR, trong số 603 trường hợp bị giải tỏa đến nay tỉ lệ bàn giao mặt bằng đạt 76,12% (459/603 trường hợp). Ngoài ra, việc triển khai di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi ảnh hưởng của dự án cũng đang được gấp rút triển khai.

Song song với việc đẩy nhanh tiến độ 2 tuyến metro số 1 và 2, MAUR đang rục rịch chuẩn bị nghiên cứu thực hiện 4 tuyến metro tiếp theo gồm tuyến số 3A (Bến Thành - Tân Kiên), tuyến số 5 - giai đoạn 1 (từ ngã tư Bảy Hiền đến cầu Sài Gòn), tuyến số 4B-1 (tuyến nhánh kết nối sân bay Tân Sơn Nhất), tuyến 5 - giai đoạn 2 (ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc).

Hình thành trục "xương sống" là metro

Theo quy hoạch được duyệt, TPHCM có 8 tuyến metro tổng chiều dài khoảng 220 km, tổng vốn đầu tư gần 25 tỉ USD.

Theo tính toán của MAUR, tuyến số 1 hoàn thành mới chỉ giải quyết được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân từ phía Đông – Thành phố Thủ Đức về phía trung tâm TPHCM.

Tuy nhiên, sau khi các tuyến tiếp theo hoàn thành thì tác động sẽ tăng lên rất nhiều. Mạng lưới 8 tuyến metro hoàn thiện kết hợp cùng hệ thống xe buýt, đường sắt trên cao... có thể đáp ứng 30 - 40% nhu cầu đi lại của người dân TPHCM.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang dần về đích. Ảnh: Anh Tú

Theo Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông Đại học Việt Đức, không thành phố nào trên thế giới có 10 triệu dân trở lên mà không có giao thông công cộng phát triển, và xương sống của nó là metro. Kết hợp với mạng lưới metro phải là mạng lưới xe buýt và cần phải áp dụng công nghệ thông tin, được kết nối, sử dụng chung một loại vé, trả theo cụ thể quãng đường đã đi.

Hiện TPHCM đã quy hoạch 8 tuyến metro, trong đó tuyến metro số 1 - tuyến đầu tiên đang dần hình thành mang lại nhiều hy vọng. Tuy nhiên, ông Tuấn nói rằng việc triển khai tuyến metro số 1 quá lâu và cần rút kinh nghiệm trong triển khai các tuyến tiếp theo.

Cụ thể, từ công tác triển khai cho tới công tác thiết kế, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, triển khai thi công, quản lý dự án... cho tới giữ đất xung quanh nhà ga để tận dụng khai thác bù chi phí cho việc vận hành.

Hiện nay, TPHCM có 127 tuyến xe buýt với 2.261 phương tiện hoạt động (giảm 6 tuyến xe buýt và 71 phương tiện so với năm 2019). Từ 2009, TPHCM đã đặt mục tiêu đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 25 - 30% nhu cầu đi lại của người dân nhưng sau 10 năm chật vật, tỷ lệ này không những không tăng mà giảm xuống còn khoảng 4,3%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn