MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe buýt điện chạy ở trung tâm TPHCM. Ảnh: Minh Quân

TPHCM chuyển hướng sang giao thông xanh

MINH QUÂN LDO | 18/03/2022 11:39

TPHCM - Từ metro đến xe đạp công cộng, xe buýt điện, TPHCM đang đẩy mạnh phát triển các loại hình giao thông xanh để giảm ô nhiễm môi trường, thay đổi thói quen của người dân trong sử dụng giao thông công cộng.

Đa dạng loại hình giao thông xanh

Những ngày qua, nhiều người hào hứng trải nghiệm tuyến xe buýt điện đầu tiên tại TPHCM với lộ trình dài khoảng 29km từ công viên Vinhome Grand Park (Thành phố Thủ Đức) đến bến xe buýt Sài Gòn (quận 1) và ngược lại.

Chị Nguyễn Thị Huyền (45 tuổi, sống tại Thành phố Thủ Đức) đánh giá cao loại xe buýt mới, rất tiện ích, đi lại an toàn, mát mẻ và sạch sẽ. “Xe chạy êm ru và không có mùi. Theo tôi, nên phát triển thêm loại hình này để giảm việc đi xe cá nhân, góp phần bảo vệ môi trường” – chị Huyền chia sẻ.

Người dân trải nghiệm xe buýt điện mới tại TPHCM. Ảnh: Chân Phúc

Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cho biết, sau gần 10 ngày vận hành (bắt đầu từ ngày 9.3), tuyến xe buýt điện đã chạy 752 chuyến (bình quân 94 chuyến/ngày) với tổng số lượng hành khách là hơn 10.000. Bình quân đạt hơn 1.200 hành khách/ngày và 12,8 hành khách/chuyến.

Trước đó, TPHCM cũng thí điểm xe đạp công cộng tại quận 1. Theo ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch Tập đoàn Trí Nam (đơn vị thực hiện thí điểm), hiện có 43 trạm đậu xe đạp được bố trí trên vỉa hè nhiều tuyến đường ở quận 1, gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, công viên, điểm du lịch.

Qua 3 tháng, đã có trên 100.000 khách đăng ký sử dụng xe đạp công cộng với hơn 120.000 giờ sử dụng và tổng quãng đường gần 700.000km.

“Kết quả này cho thấy, người dân TPHCM rất quan tâm đến xe đạp. Nhiều người sử dụng xe đạp thường xuyên đi mua sắm, đi dạo, ăn uống thay cho xe máy. Về lâu dài, để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp như một phương tiện thường xuyên, chúng tôi sẽ đề xuất mở rộng mô hình xe đạp công cộng sang các quận khác, kết nối hiệu quả với các trạm xe buýt” – ông Dân nói.

Trước đó, từ năm 2017, TPHCM đã thí điểm 3 tuyến buýt điện loại 12 chỗ do doanh nghiệp khai thác, phục vụ khách tham quan, dân cư ở quận 1 và khu Phú Mỹ Hưng (quận 7). Gần đây, thành phố cũng vừa chấp thuận thí điểm 2 năm cho ôtô dưới 15 chỗ chạy bằng điện ở huyện Cần Giờ, chở khách đến các khách sạn, khu du lịch theo hình thức hợp đồng, du lịch.

"Thay máu" xe buýt

Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TPHCM khẳng định, mục tiêu giảm khí thải từ giao thông, phát triển giao thông xanh là chủ trương chung của TPHCM. Từ metro đến xe đạp công cộng, hệ thống xe buýt điện, ngành giao thông thành phố đang từng bước đa dạng nhiều loại hình để thực hiện chủ trương này.

“Thành phố phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 có trên 20% xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí nén CNG, động cơ điện). Hiện trong khoảng 2.500 xe buýt hiện ở TPHCM thì có khoảng 500 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG)” - ông Lâm chia sẻ.

Xe đạp công cộng TPHCM hút khách sau 3 tháng thí điểm. Ảnh: Minh Quân

Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, việc đưa vào sử dụng tuyến xe buýt điện đầu tiên và trong năm nay, dự kiến tiếp tục vận hành thêm 4 tuyến với tổng số 77 xe buýt điện sẽ vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa thu hút người dân quay trở lại với xe buýt sau một thời gian dài sụt giảm hành khách do dịch bệnh.

Theo ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, dự kiến trong năm nay, ban sẽ triển khai xây dựng tuyến buýt xanh chất lượng cao với lộ trình tuyến dài 26 km, từ phường An Lạc (quận Bình Tân) kết nối ga Rạch Chiếc thuộc tuyến metro số 1 (Thành phố Thủ Đức).

Tuyến buýt này sẽ sử dụng phương tiện nhiên liệu sạch (CNG hoặc xe điện), chất lượng cao (có đầy đủ dịch vụ wifi, hệ thống soát vé thông minh có tích hợp với metro trong tương lai). "Tuyến xe buýt chất lượng cao này cùng với tuyến metro số 1 sẽ tạo ra tuyến giao thông xanh từ bờ Đông sang bờ Tây TPHCM" - ông Phúc nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn