MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh:NLĐ

TPHCM có hơn 4.000 tiếp viên hoạt động khiêu dâm, kích dục

Cường Ngô LDO | 28/05/2018 21:30
Tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn TPHCM có khoảng 10.231 cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" với khoảng 4.199 nhân viên, tiếp viên dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, kích dục.

Hơn 10.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm"

Chiều 28.5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến – Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, đã có buổi làm việc tại TPHCM.

Báo cáo với Đoàn công tác Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM cho biết, tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn TPHCM có khoảng 10.231 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, trong đó có 601 cơ sở nghi vấn hoạt động mại dâm, 956 cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện nghi vấn hoạt động khiêu dâm, kích dục, với khoảng 4.199 nhân viên, tiếp viên.

Các đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội đã tổ chức kiểm tra 10.368 lượt cơ sở, phát hiện 4.829 lượt cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 46,58%), trong đó có 473 lượt cơ sở vi phạm liên quan đến mại dâm và khiêu dâm, kích dục. Tổng số tiền xử phạt đối với 4.829 lượt cơ sở vi phạm này là 34,8 tỉ đồng.

Công an TPHCM cũng đã triệt phá 140 vụ tổ chức môi giới mại dâm, xử lý 734 đối tượng. Công an các quận, huyện đã tổ chức kiểm tra hành chính 2.142 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện.

Bộ trưởng Y tế có buổi làm việc với TPHCM. Ảnh: PV

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống mại dâm trong tình hình mới.

Các văn bản quy phạm pháp luật chưa có chế tài về xử lý đối với các đối tượng hoạt động mại dâm nam, mại dâm đồng tính, mại dâm chuyển giới và các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khiêu dâm, kích dục.

Người nghiện ma túy: "Những gương mặt cũ"

Buổi làm việc không chỉ báo cáo về hoạt động khiêu dâm, kích dục, mà còn nói về những người nghiện ma túy trên địa bàn.

Ông Khiết cho biết, hiện nay TP đang thực hiện cai nghiện ma túy cho gần 10.000 người, trong đó có 1.371 người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; 676 người cai nghiện ma túy tự nguyện và 8.884 người cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện. 

Thế mạnh của TPHCM là 9 cơ sở cai nghiện có chức năng cai nghiện bắt buộc đang quản lý và tổ chức cai nghiện phục hồi cho 8.884 người.

Tuy nhiên, TP đang phải đối mặt với tình hình phức tạp của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy. Tình hình mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần gia tăng, có nhiều loại ma túy mới xuất hiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ và phức tạp. Điều này khiến công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai cũng gặp nhiều khó khăn.

Thừa nhận điều này, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM cho rằng: “Mỗi năm khi đi thăm các cơ sở cai nghiện, tôi lại bắt gặp các gương mặt cũ, các em tái nghiện và lại được đưa vào đây, như vậy rõ ràng là công tác cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng của chúng ta chưa thực sự hiệu quả".

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, TPHCM có nhiều nỗ lực trong công công tác quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú. Tuy nhiên, TP cần tìm giải pháp gia tăng hình thức cai nghiện tự nguyện có thu phí, đồng thời kêu gọi xã hội hóa lĩnh vực này như một số nước đã thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn