MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều DN gặp khó khăn nên cho NLĐ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm lương, cho nghỉ việc,... khiến nhu cầu tìm việc gia tăng. Ảnh: Trần Kiều

TP.HCM: Cuối năm 2020 ngành nào có nhu cầu tuyển dụng cao?

Quỳnh Chi LDO | 21/07/2020 16:44
Dự báo đến cuối năm 2020, TP.HCM sẽ cần khoảng 115.000 đến 135.000 chỗ làm việc. Thông tin trên vừa được Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) đưa ra.

Theo FALMI, thị trường lao động TP.HCM trong thời gian qua có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhu cầu tuyển dụng lao động từ giữa tháng 2 trở đi có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019; trong 6 tháng đầu năm 2020, nhu cầu nhân lực giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019.

Khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải, dệt may, giày da, sản xuất trang phục, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, xây dựng... Nhiều doanh nghiệp phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, giảm lương, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

Cụ thể, khó khăn của doanh nghiệp tại thời điểm dịch bệnh diễn ra qua các cuộc khảo sát của FALMI như: Khó khăn trong tìm kiếm khách hàng (chiếm 39,44% lựa chọn của doanh nghiệp); khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do tạm ngừng thực hiện các đơn hàng xuất khẩu, người dân trong nước cắt giảm chi tiêu, hoạt động vận chuyển hàng hoá gặp khó khăn, không tìm kiếm thị trường tiêu thụ (22,89%); khó khăn trong thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất (18,31%) và khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (7,75%).

Theo FALMI, dù nước ta đã kiểm soát tốt và cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nước ta sẽ chịu tác động nhất định. FALMI dự báo nhu cầu nhân lực trong thời gian tới với hai kịch bản.

Thứ nhất, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, các khu vực kinh tế chịu tác động lớn là khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải…); khu vực công nghiệp - xây dựng (ngành dệt may, giày da, gỗ nội thất, chế biến, xây dựng…). Nhu cầu nhân lực đến cuối năm 2020 cần khoảng 105.000 đến 115.000 chỗ làm việc.

Thứ hai, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, với việc kiểm soát tốt dịch tễ, tình hình doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối năm 2020. Đặc biệt là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ lễ tết, cũng sẽ giúp hạn chế tình trạng lao động ngừng việc, mất việc. Tuy nhiên, khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch), khu vực công nghiệp (ngành dệt may, giày da, gỗ nội thất) vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giao thương (xuất - nhập) bị gián đoạn. Do đó, nhu cầu nhân lực đến cuối năm 2020 cần khoảng 115.000 đến 135.000 chỗ làm việc.

Nhu cầu nhân lực sẽ tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - thương mại (22,7%); dịch vụ phục vụ (7,63%); dệt may - giày da (6,25%); chế biến lương thực - thực phẩm (6,02%); tư vấn chăm sóc khách hàng (5,91%); marketing (5,79%); xây dựng (4,62%); công nghệ thông tin (4,23%); hành chính văn phòng (4,2%); vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng (3,62%); kinh doanh bất động sản (3,51%).

 Ngoài ra, nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 84,5%, trong đó, Đại học chiếm 20%, Cao đẳng chiếm 21%, Trung cấp 30%, Sơ cấp 13,5%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn