MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Siêu thị ở TPHCM đầy ắp lương thực, thực phẩm. Ảnh: Minh Quân

TPHCM: Đảm bảo đủ hàng hóa mỗi ngày khi “cách ly toàn xã hội”

MINH QUÂN LDO | 31/03/2020 15:15
Theo Sở Công Thương TPHCM, trong thời gian thực hiện "cách ly toàn xã hội", cơ quan này đã chuẩn bị nguồn hàng hóa để cung ứng đủ cho người dân.

Chiều ngày 31.3, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, đã phối hợp sở ngành chức năng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch tạo nguồn, dự trữ và cung ứng hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời gian "cách ly toàn xã hội".

Theo đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, hiện nay lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35% -50% nhu cầu thị trường. Mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc, các chợ đầu mối chiếm 60 - 70% thị phần và từ các doanh nghiệp khác chiếm 10 - 20% thị phần.

Trong đó, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường đảm bảo cung ứng lương thực là 3.830 tấn/tháng, đường 2.017 tấn/tháng, dầu ăn 1.072 tấn/tháng, thịt gia súc 6.238 tấn/tháng, thịt gia cầm 8.748 tấn/tháng, trứng gia cầm 71,9 triệu quả/tháng, thực phẩm chế biến 728,9 tấn/tháng, rau củ quả 7.395 tấn/tháng, thủy hải sản 184,5 tấn/tháng, gia vị 634,8 tấn/tháng.

Đối với mặt hàng khẩu trang y tế, qua báo cáo của 23 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế của các doanh nghiệp là 2.957.000 cái/ngày. Về khẩu trang vải kháng khuẩn, Sở đã ký hợp đồng phân phối với 22 doanh nghiệp với tổng cộng là 56.566.450 cái.

Về cung cấp thực phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch,  bà Trang cho biết, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Y tế cung cấp suất ăn miễn phí và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người bị cách ly, lực lượng y, bác sĩ, điều dưỡng, người phục vụ tham gia chống dịch, bình quân trên 10.000 suất ăn/ngày.

TPHCM đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa trong thời gian “cách ly toàn xã hội“. Ảnh: Minh Quân

Bà Nguyễn Huỳnh Trang  cho biết thêm, trước đó, Sở Công Thương TPHCM cũng đã xây dựng 3 tình huống cung ứng hàng hóa cho người dân với số ca nhiễm mới dưới 100, dưới 300 và dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

Theo đó, dưới 100 ca nhiễm, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30-40% so với ngày thường, sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán bình ổn thị trường, hệ thống phân phối.

Đồng thời, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50-100% trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn. Các doanh nghiệp sẽ tăng cường bán hàng thông qua kênh thương mại điện tử.

Nếu thành phố có dưới 300 trường hợp nhiễm bệnh, các doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 50-100% so với ngày thường, đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly.

Kịch bản xấu nhất, các doanh nghiệp tiếp tục giải pháp đã thực hiện trong tình huống 1 và 2, phát huy kênh phân phối trực tuyến.

Đồng thời, giảm hoặc ngừng xuất khẩu với mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phục vụ phòng chống dịch, tăng nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa tại thành phố và các tỉnh, thành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn