MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giao thông cửa ngõ phía Đông TPHCM qua Xa lộ Hà Nội ngày càng quá tải khi lượng xe lớn nhưng hạ tầng giao thông còn hạn chế. Ảnh: Minh Quân

TPHCM dành hơn 70.000 tỉ đồng: Chuẩn bị đầu tư 13 dự án cầu, đường trọng điểm, cấp bách

MINH QUÂN LDO | 16/02/2023 07:10

Cao tốc TPHCM - Mộc Bài, hai đoạn Vành đai 2, Vành đai 4, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3… nằm trong số 13 dự án cầu đường trọng điểm có tổng mức đầu tư hơn 70.000 tỉ đồng đang được TPHCM gấp rút chuẩn bị các thủ tục đầu tư để khởi công từ năm 2024.

Kỳ vọng loạt dự án cao tốc, vành đai

Trong 13 dự án, cao tốc TPHCM - Mộc Bài là công trình được ưu tiên làm các công việc chuẩn bị đầu tư trong năm nay như lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi.

Tuyến đường dài khoảng 50km, kết nối TPHCM với Tây Ninh, triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư 15.900 tỉ đồng.

Công trình dự kiến khởi công năm 2024, đầu tư hoàn thành năm 2027, giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu qua đầu mối cảng biển, hàng không ở khu vực...

Các tuyến vành đai ở TPHCM cũng là một trong nhóm dự án được ưu tiên. Trong đó Vành đai 2 đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội) dài gần 3,6km, tổng mức đầu tư gần 8.600 tỉ đồng và đoạn 2 (từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng) dài 2,8km, tổng vốn hơn 8.400 tỉ đồng. Hai đoạn này dự kiến trình thông qua chủ trương đầu tư bằng ngân sách TPHCM trong năm nay và khởi công năm 2024.

Tương tự, Vành đai 4 dài gần 200km, đi qua 5 tỉnh, thành gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM và Long An. Trong đó, đoạn qua TPHCM dài khoảng 17km, đi qua huyện Củ Chi và Nhà Bè với tổng mức đầu tư hơn 19.000 tỉ đồng.

TPHCM và các địa phương dự án đi qua đang khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phấn đấu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư cuối năm 2023. Dự án Vành đai 4 dự kiến khởi công năm 2025, cơ bản hoàn thành và thông xe kỹ thuật cuối năm 2027 và khai thác năm 2028.

Các dự án xây cầu lớn bắc qua sông triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) cũng được triển khai các thủ tục đầu tư, phấn đấu khởi công năm 2025 như cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè qua Cần Giờ, tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng); Thủ Thiêm 4 (nối TP.Thủ Đức qua quận 7), tổng mức đầu tư 5.300 tỉ đồng.

Để "giải cứu" ùn tắc khu vực cảng Cát Lái, TPHCM sẽ làm đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3 dài 6,6km, rộng 60m, 12 làn xe với tổng mức đầu tư 8.000 tỉ đồng.

Nếu được thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm nay, dự án sẽ được lập báo cáo nghiên cứu khả thi và khởi công năm 2024.

Diện mạo giao thông TPHCM thay đổi lớn trong 5 năm tới

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM - 13 dự án này đều "trọng điểm, cấp bách", cần ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh công tác chuẩn bị.

Việc sớm đầu tư giúp tăng kết nối giữa các khu vực và góp phần phát triển kinh tế, xã hội thành phố cùng các tỉnh lân cận. Vốn đầu tư các công trình trên hơn 70.000 tỉ đồng từ ngân sách TPHCM, PPP, phí cảng biển.

Việc đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông còn làm tăng kết nối vùng, phát huy vai trò đầu tàu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

"Với tinh thần chủ động, quyết tâm cùng với sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền, Chính phủ và bộ ngành, các dự án giao thông trọng điểm đang được đẩy nhanh thủ tục đầu tư và bố trí vốn. Điển hình như dự án Vành đai 3 TPHCM đang khẩn trương giải phóng mặt bằng để khởi công vào tháng 6 năm nay và hoàn thành năm 2025” - ông Lâm nói.

Cũng theo ông Trần Quang Lâm, không chỉ các dự án liên vùng, hiện TPHCM đang quan tâm và đang đẩy nhanh đồng loạt các dự án cả đường thủy, đường bộ, đường sắt... Với nguồn thu phí cảng biển kết hợp vốn ngân sách TPHCM, trong vòng 5 năm tới các con đường vào cảng sẽ được nâng cấp, đầu tư mới để cảng biển TPHCM phát huy hết tiềm năng lợi thế.

"Trong 5 năm tới, diện mạo về giao thông TPHCM sẽ thay đổi rất lớn" - ông Lâm cho hay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn