MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại lộ Võ Văn Kiệt sẽ triển khai làn đường riêng cho xe buýt nhanh BRT số 1. Ảnh: Minh Quân

TPHCM đề xuất hoãn làm tuyến xe buýt nhanh BRT gần 3.300 tỉ đồng

MINH QUÂN LDO | 23/11/2021 15:42

TPHCM - Sở Giao thông Vận tải đề xuất UBND thành phố tạm hoãn triển khai thi công tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 (lộ trình Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) với mức đầu tư gần 3.300 tỉ đồng vì lo ngại tính hiệu quả.

Dự kiến 28.086 khách/ngày trong năm 2022

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TPHCM về việc rà soát một số nội dung của dự án phát triển giao thông xanh - dự án tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1.

Tuyến BRT số 1 được UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh hồi cuối năm 2020 với tổng mức vốn đầu tư gần 3.300 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) hơn 121,2 triệu USD (tương đương hơn 2.849 tỉ đồng) và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố hơn gần 423 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến năm 2023.

Tuyến BRT số 1 dài 26km, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Điểm đầu tuyến tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (quận 2).

Tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của TPHCM chạy với tốc độ di chuyển 60km/giờ trên làn đường riêng. Trong giai đoạn đầu, tuyến BRT số 1 có 42 xe sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) với sức chứa 60 - 72 hành khách.

Chủ đầu tư tính toán nhu cầu hành khách đi lại trên tuyến BRT số 1 là 28.086 người/ngày trong năm 2022, tăng lên 31.000 người/ngày năm 2025. Đến năm 2030, hành khách tăng lên 38.393 người/ngày và tăng lên 47.200 người/ngày năm 2035.

Dự án tuyến BRT số 1 đang thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự kiến khởi công trong năm 2022.

Đề xuất tạm hoãn vì lo ngại tính hiệu quả

Tuy nhiên, qua rà soát, Sở GTVT TPHCM cho biết, từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã tác động lớn đến nhu cầu đi lại bằng xe buýt, các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển giao thông công cộng song song với kiểm soát xe cá nhân chậm triển khai... Việc này làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của dự án khi dựa vào hoạt động, khai thác.

Ngoài ra, Sở GTVT TPHCM nhận thấy sản lượng dự kiến hành khách năm 2022 khi dự án được đưa vào sử dụng là 28.086 người/ngày nhiều khả năng sẽ không đảm bảo.

Nguyên nhân bởi tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chưa được hoàn thành đưa vào sử dụng ảnh hưởng đến sản lượng trung chuyển hành khách từ nhà ga Rạch Chiếc về Bến xe Chợ Lớn, An Lạc.

Ngoài ra, gói thầu tái cấu trúc mạng lưới xe buýt, nghiên cứu quy hoạch lại toàn bộ tuyến xe và bổ sung các tuyến buýt gom cho BRT số 1 hiện mới xong công tác lựa chọn nhà thầu, dự kiến cuối năm 2022 mới hoàn thành. Điều này dẫn đến việc hiện chưa có cơ sở đánh giá, xác định cụ thể các tuyến buýt gom chở khách từ những đầu mối giao thông lớn và khu dân cư đến buýt BRT...

Bên cạnh đó, tuyến BRT số 1 sẽ có các tuyến buýt kết nối với Bến xe Miền Tây mới và Bến xe Miền Đông mới nhằm thu hút thêm lượng hành khách. Tuy nhiên, Bến xe Miền Tây đang trong giai đoạn lập quy hoạch, chưa xác định được thời điểm triển khai. Còn Bến xe Miền Đông mới chưa được đầu tư hoàn chỉnh, hiện khai thác giai đoạn đầu có sản lượng hành khách thực tế thấp. Việc này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng hành khách của tuyến BRT số 1.

Xe buýt chạy trên đường Võ Văn Kiệt - nơi sẽ triển khai làn đường riêng cho tuyến BRT. Ảnh: Minh Quân

Cũng theo Sở GTVT TPHCM, việc triển khai tuyến BRT số 1, phải hoàn thành các dự án như tuyến metro số 1, nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ nút giao An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An) và khu đô thị mới Thủ Thiêm được lấp đầy dân số mới đảm bảo được tính hiệu quả, khả thi của dự án. Tuy nhiên, các dự án có liên quan vẫn chưa được đảm bảo đồng bộ do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ngoài ra, thời gian qua, tuyến BRT tại Thành phố Hà Nội được đưa vào khai thác sử dụng vẫn chưa đạt được các mục tiêu ban đầu đề ra. Sản lượng hành khách chỉ đạt được 13.302 người/ngày sau 8 tháng đưa vào hoạt động. Nguyên nhân tuyến xe buýt BRT Hà Nội chưa thành công liên quan đến việc kết nối đến các bến xe lớn, chưa có tuyến buýt gom và tuyến buýt kết nối, ý thức của người dân chưa cao.

Từ những lý do trên, Sở GTVT TPHCM đề xuất UBND TPHCM tạm hoãn thực hiện dự án tuyến BRT số 1 cho đến khi đảm bảo các điều kiện nêu trên. Việc này cũng nhằm thực hiện đồng bộ với các dự án khác để hình thành một hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn.

Ngoài ra, Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp nhà tài trợ đẩy nhanh tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên địa bàn, nâng cao chất lượng xe buýt... Đồng thời, TPHCM cần tập trung các giải pháp phát triển hệ thống giao thông cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn