MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) ở TPHCM.Ảnh: Minh Quân

TPHCM đến thời phát triển giao thông thủy

MINH QUÂN LDO | 08/10/2022 08:08

Theo đánh giá mới nhất, giao thông đường bộ TPHCM đã rơi vào tình trạng quá tải ở ngưỡng nguy hiểm - tức chỉ cần một sự cố nhỏ xảy ra trên đường có thể dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Việc này càng thôi thúc TPHCM phát triển giao thông đường thủy để giảm tải cho giao thông đường bộ vốn đang trở nên bức bách với thành phố hơn 10 triệu dân, đầu tàu kinh tế của cả nước. 

Quá tải giao thông đường bộ ở ngưỡng nguy hiểm

Hơn 1 tháng trở lại đây, đường phố TPHCM luôn trong tình trạng ùn ứ quá tải. Nhà ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), anh Nguyễn Văn Dũng cho biết luôn cảm thấy ức chế vì vào trung tâm TPHCM giờ cao điểm đường nào cũng kẹt. "Đi hướng cầu Tân Thuận thì tắc ở Nguyễn Tất Thành, đi Nguyễn Hữu Thọ thì kẹt ở cầu Kênh Tẻ, vòng qua quận 8 thì đi cầu Chữ Y, cầu Nguyễn Văn Cừ cũng không khá hơn" - anh Dũng nói.

Tương tự, chị Hồng Thúy (Thành phố Thủ Đức) kể chị thuê một phòng trọ tại khu vực Quốc lộ 13, hằng ngày ló mặt ra khỏi nhà là gặp hình ảnh xe cộ chen chúc hướng vào trung tâm thành phố. Vừa qua cầu Bình Triệu đến đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) lại nhập vào dòng người chật ních. “Nếu trước đây tình trạng xe cộ nối đuôi nhau chỉ xảy ra vào giờ cao điểm thì nay sáng, trưa, chiều, giờ nào cũng có thể gặp kẹt xe. Cứ ra đường là thấy ùn tắc, từ ngõ hẻm cho tới xa lộ, đại lộ, đường nào cũng ngột ngạt kinh khủng” - chị Thúy lắc đầu ngao ngán.

Ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TPHCM) - cho biết, thời gian qua, tình hình giao thông trên nhiều tuyến đường tại TPHCM trở nên quá tải và ở mức 5 hoặc 6, tức mức cảnh báo cao (thang đánh giá có 6 mức). Với mức độ này, chỉ cần xảy ra sự cố như xe chết máy hay trời mưa cũng khiến dòng xe trở nên rối loạn, di chuyển khó khăn.

Thống kê đến hết tháng 9.2022, tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TPHCM chỉ hơn 13,3%, thiếu khoảng 10% so với quy chuẩn. Tổng chiều dài các tuyến đường ở thành phố hơn 4.500km, mật độ 2,32km trên một km2, chỉ bằng 1/5 quy chuẩn.

Trong khi đó, đến thời điểm này TPHCM đang quản lý hơn 8,7 triệu phương tiện trong đó có hơn 865.000 ôtô và hơn 7,8 triệu xe hai bánh (mỗi ngày có khoảng 221 ôtô và 804 xe máy đăng ký mới). So với cùng kỳ 2021, tổng số xe tăng 3,1% (ô tô tăng 7,2% và xe hai bánh tăng 2,7%).

Đẩy mạnh giao thông thủy

TPHCM có 110 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài gần 1.000km, cùng với hệ thống cảng biển, bến thủy nội địa rải đều được xem là lợi thế phát triển giao thông thủy để giảm tải cho đường bộ.

Theo Sở GTVT TPHCM, 9 tháng đầu năm nay, sản lượng hàng hóa bằng đường thủy tại thành phố đạt hơn 52,2 triệu tấn, chiếm gần 40% so với vận tải đường bộ. Lượng khách qua các cảng, bến thuỷ nội địa 9 tháng đầu năm cũng đạt hơn 22,6 triệu lượt (tăng 51,63% so với năm 2021).

Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, đánh giá, với việc sở hữu 1.000km đường thủy đã được quy hoạch, quản lý cho thấy tiềm năng giao thông thủy của TPHCM rất lớn. “Hiện nay chỉ riêng về mặt vận chuyển hàng hóa, giao thông thủy chiếm khoảng 40%” - ông An nói.

Theo ông Bùi Hòa An, thời gian qua TPHCM đã đẩy mạnh phát triển giao thông thủy kết nối không chỉ trên địa bàn TPHCM mà còn liên thông với các tỉnh thành lân cận, nhất là với Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Cụ thể, từ năm 2017 thành phố đã khai thác tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) và sắp tới sẽ khai thác thêm 2 tuyến buýt sông từ quận 1 đi quận 7, gồm: Số 3 (Bạch Đằng - Mũi Đèn Đỏ) và số 4 (Bạch Đằng - Phú Mỹ Hưng). Tương tự, các tuyến tàu cao tốc TPHCM - Vũng Tàu, biển Cần Giờ - Vũng Tàu khai thác thời gian qua đáp ứng nhu cầu đi lại người dân, phát triển du lịch, chia bớt áp lực cho giao thông đường bộ.

“Trong năm 2023 thành phố sẽ mở thêm 3 tuyến tàu cao tốc đi Côn Đảo, Tiền Giang, Bến Tre và một tuyến phà biển đi Tiền Giang. Lúc đó, giao thông thủy sẽ chia sẻ áp lực giao thông đường bộ, bao gồm vận tải hành khách, hàng hóa và du lịch” - ông An nhấn mạnh.

Theo TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, thuận lợi của vận tải hành khách đường thủy ở TPHCM là thời gian đi lại, chuyển tiếp giữa các bến nhanh. Có thể đi tắt, rút ngắn khoảng cách và không bị kẹt như đường bộ. Để phát triển, ông Cương cho rằng, điều đầu tiên là cần phải tạo được loại hình giao thông liên hoàn kết hợp, tức là chủ đầu tư phải xây dựng cơ sở hạ tầng không chỉ dưới nước mà trên bộ, phải có xe buýt trung chuyển khách hàng đến với địa điểm họ chọn hoặc phải có bãi xe để khách hàng có thể thuận tiện trong việc di chuyển đến các địa điểm khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn