MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại lộ Võ Văn Kiệt - nơi dự kiến triển khai làn đường riêng cho xe buýt nhanh BRT số 1. Ảnh: Minh Quân

TPHCM: Dừng tuyến BRT số 1 là hợp lý, dồn lực phát triển xe buýt chất lượng

MINH QUÂN - HUYỀN TRÂN LDO | 01/12/2021 12:00

Sau khi Sở GTVT TPHCM kiến nghị tạm hoãn dự án Phát triển giao thông xanh ở thành phố (dự án buýt nhanh BRT số 1) vì cho rằng nhiều yếu tố liên quan chưa đồng bộ, khó đảm bảo hiệu quả khi khai thác, chủ đầu tư dự án đã có văn bản báo cáo UBND TPHCM. Trong đó, đề xuất dừng đầu tư hệ thống xe buýt nhanh BRT và tập trung phát triển hệ thống xe buýt chất lượng cao.

Xây dựng mạng lưới xe buýt chất lượng cao

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP - chủ đầu tư), tổng mức đầu tư dự án buýt nhanh BRT số 1 gần 3.300 tỉ đồng, gồm hơn 121 triệu USD từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), còn lại vốn đối ứng thành phố. Để triển khai hiệu quả công trình này, thành phố bổ sung dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Thụy Sĩ thông qua tổ chức SECO, với tổng vốn khoảng 10,5 triệu USD. Dự án trên được bổ sung để thực hiện nghiên cứu quy hoạch chung Thành phố Thủ Đức, kết nối trạm dừng BRT và đào tạo nhân lực quản lý, vận hành hệ thống buýt BRT...

Hiện, dự án đã được trình thẩm định các gói thầu xây lắp, dự kiến thi công từ tháng 7.2022 và khai thác cuối năm 2023. Ông Lương Minh Phúc cho rằng, nếu TPHCM tạm hoãn thực hiện buýt nhanh BRT số 1, ngân hàng WB sẽ huỷ dự án và chấm dứt vốn tài trợ. Điều này đồng nghĩa không thể triển khai gói thầu tư vấn tổ chức lại mạng lưới xe buýt ở thành phố từ nguồn này. Việc chấm dứt vốn cho dự án cũng sẽ dừng luôn dự án hỗ trợ kỹ thuật của SECO cũng như chấm dứt ký hợp đồng tư vấn nghiên cứu lập quy hoạch chung TP.Thủ Đức. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng đánh giá việc tạm dừng dự án ảnh hưởng công tác đền bù, tái định cư ở công trình...

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, khi Sở GTVT TPHCM không đồng thuận và không đảm bảo đồng bộ giữa việc triển khai tuyến BRT số 1 với phát triển mạng lưới BRT, metro, tái cấu trúc mạng lưới xe buýt truyền thống, phát triển giao thông công cộng cùng kiểm soát xe cá nhân... thì tuyến BRT số 1 rất khó thành công.

Do đó, chủ đầu tư đề xuất UBND TPHCM dừng tuyến BRT số 1, nhưng thương thảo với WB và SECO, tiếp tục dùng vốn của nhà tài trợ để xây dựng mạng lưới xe buýt chất lượng cao. Cụ thể, phát triển tuyến buýt chất lượng cao với lộ trình kết nối tương tự tuyến BRT số 1 dự kiến hoạt động; đầu tư hệ thống buýt nhánh từ Rạch Chiếc qua các trung tâm đô thị ở Thành phố Thủ Đức; tuyến buýt chất lượng cao kết nối Thành phố Thủ Đức đến sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời, tiếp tục triển khai gói thầu tư vấn tổ chức mạng lưới xe buýt toàn TPHCM từ vốn của nhà tài trợ.

Dừng BRT là hợp lý

Theo ông Lương Minh Phúc, trong giai đoạn 2021-2025, nhiệm vụ tái cấu trúc mạng lưới xe buýt hiện hữu, phát triển hệ thống buýt truyền thống, các tuyến buýt trục liên vùng, hình thành mạng lưới "Buýt - Buýt trục - Metro" là công việc cần phải được TPHCM ưu tiên và khẩn trương thực hiện.

Trong đó, việc hình thành 1 trục giao thông công cộng khối lượng lớn nối liền phía Đông và phía Tây thành phố (huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và Thành phố Thủ Đức) là một nhu cầu thực tế, cần phải thực hiện ngay; đặc biệt là phục vụ nhu cầu đi lại của người dân Miền Tây đến Thành phố Thủ Đức và sân bay Long Thành và ngược lại. "Trong trường hợp thành phố quyết định không triển khai tuyến BRT số 1 đọc tuyến Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ thì cần phải có phương án thay thế tuyến BRT số 1 bằng một tuyến giao thông công cộng phù hợp khác" - ông Phúc nói.

Theo Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện Trưởng Viện kinh tế và quản lý TPHCM, thành phố hiện có 126 tuyến xe buýt, gồm 90 tuyến trợ giá và 36 tuyến không trợ giá. Thời gian qua, nhiều tuyến xe buýt của thành phố được đầu tư xe mới, thiết kế hiện đại đạt chuẩn chất lượng khí thải Euro II, có camera giám sát, hệ thống đảm bảo an toàn cho hành khách. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lượng khách sử dụng xe buýt chưa nhiều và khá thưa thớt.

Do đó, nếu TPHCM triển khai buýt BRT vào thời điểm hiện tại với suất đầu tư cao, lượng hành khách chưa đủ sẽ lãng phí. Thay vào đó, TPHCM nên chuyển sang buýt chất lượng cao, trên làn đường riêng đó các loại xe buýt khác vẫn được lưu thông sẽ tránh lãnh phí. "Việc dừng xây dựng hệ thống xe buýt nhanh BRT giai đoạn này là hợp lý, qua đó tập trung dồn nguồn lực để đầu tư phát triển xe buýt truyền thống, xe buýt chất lượng cao hiện có" - ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, đến năm 2030, xe buýt vẫn là phương tiện chở khách chủ lực của thành phố. Do đó ngoài những giải pháp như thay mới, tăng số lượng và chất lượng phương tiện, cần giảm khoảng cách từ nhà đến trạm xe buýt dưới 200m (khoảng cách theo nghiên cứu người dân chấp nhận đi xe buýt). Trong đó, buýt mini thích hợp với các tuyến đường nhỏ hẹp tại TPHCM.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn