MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ tiêm vaccine phòng dại cho bệnh nhân. Ảnh: Chân Phúc

TPHCM gia tăng lượng người dân đi tiêm vaccine phòng dại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC LDO | 21/03/2024 08:03

Hiện nay, tình hình bệnh dại tại nhiều tỉnh thành trên cả nước được cảnh báo phức tạp. Thời tiết ở khu vực phía Nam đang vào mùa nắng nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát của bệnh dại. Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng người đến tiêm vaccine phòng dại đã tăng hơn so với những tháng trước.

Những vết cắn bất ngờ từ động vật nhà nuôi

Bà Tào Thị Ngọc Hương (56 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM), đã bị chó nhà cắn vào lúc 6h sáng ngày 19.3. Bà đã phải nhanh chóng đến Viện Pasteur TPHCM để tiêm vaccine phòng ngừa bệnh dại. Đây là lần thứ 2 bà bị chó nhà cắn.

“Lần 1 bị chó cắn vào năm 2019, tôi nghĩ chó nhà đã được tiêm phòng đầy đủ nên chủ quan chỉ tiêm một mũi rồi không tiêm tiếp. Lần này lại bị cắn, bác sĩ yêu cầu tôi phải tiêm phòng uốn ván, khâu vết thương và tiêm đầy đủ phác đồ điều trị bệnh dại 5 mũi, để giảm bớt khả năng virus bệnh tấn công”, bà Hương chia sẻ thêm.

Ông Lê Minh Trí (61 tuổi, từ tỉnh Đồng Tháp), cũng gặp phải tình huống tương tự khi bị chó nhà cắn. Ông Trí cho biết, trước đó gia đình nhận nuôi một chú chó 5-6 tháng tuổi chưa tiêm phòng. Trong quá trình chơi đùa với chó, ông bị một vết cào nhẹ có chảy máu, lo lắng về khả năng mắc bệnh dại nên ông đã tự đi tiêm vaccine ngừa bệnh.

“Tôi đã tiêm mũi 1 và 2 tại quê trước đó, ngày hôm nay có việc tại TPHCM nên đi tiêm mũi cuối. Bác sĩ tư vấn nếu con chó sau 10 ngày không chết thì tôi tiêm mũi thứ 3 là được”, ông Trí chia sẻ.

Không nên chủ quan khi bị động vật cắn

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc - Quản lý và điều hành Phòng khám Đa khoa Viện Pasteur TPHCM - cho biết, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các ổ virus bệnh dại phát triển.

Khi không may bị động vật cắn, người dân cần xử trí vết thương bằng các chất tẩy rửa và sát trùng y tế nhằm giảm bớt virus dại bám trên vết thương.

Đồng thời, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có tiêm vaccine phòng dại để được tư vấn và xử trí tiêm vaccine phòng dại.

Cũng theo bác sĩ Ngọc, một số trường hợp cần sử dụng huyết thanh, đặc biệt là những người có vết cắn ở các vị trí gần thần kinh trung ương. Virus có thể tấn công những vết thương này rất nhanh, nên cần có huyết thanh để trung hòa và giảm sự tác động của virus.

Những ngày gần đây, trong hai tháng đầu năm 2024, viện đã tiếp nhận 4.813 lượt tiêm vacicne phòng bệnh dại (trong đó tháng 2.2024 có 2.622 lượt, tăng nhiều so với tháng 1.2024 và tháng 12.2023 với 2.100 lượt/tháng).

Đối với những người bị động vật cắn nhưng chưa tiêm ngừa vaccine phòng dại, sẽ có phác đồ điều trị chi tiết. Đặc biệt, người bị cắn cần theo dõi con vật trong vòng 10 ngày. Nếu con vật không chết, chỉ cần tiêm 3 mũi, nhưng nếu con vật chết hoặc bỏ đi, cần tiêm 4-5 mũi trong vòng 1 tháng mới đảm bảo ngừa bệnh tối đa.

“Tiêm chủng cần phải sớm, vì vaccine không phải chích vào là có hiệu quả ngay. Vaccine khi chích vào cơ thể ít nhất 15 ngày mới có hiệu quả, nên tiêm trễ quá thì tác dụng chưa đạt được. Vì vậy, khuyến cáo quan trọng với người dân là khi bị động vật cắn, hãy đến cơ sở y tế để được hướng dẫn tiêm ngừa”, bác sĩ Ngọc nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đầu năm 2024, tình hình bệnh dại tiếp tục gia tăng đột biến, chỉ tính riêng hai tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp). Trong đó, khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về bệnh dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong (Đắk Lắk 4 ca, Gia Lai 1 ca).

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vaccine phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định. Công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỉ lệ tiêm vaccine phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; có nơi chỉ đạt ~10%.

Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỉ lệ tiêm vaccine phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế. Vì vậy, người dân nên chủ động phòng bệnh và tiêm phòng đúng phác đồ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn