MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm dự kiến giải tỏa trắng 1.273 căn nhà. Ảnh: Anh Tú

TPHCM giải tỏa 20.000 nhà ven kênh, bố trí chỗ ở mới cho dân gần hay xa nơi cũ?

MINH QUÂN LDO | 24/06/2024 14:30

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 di dời toàn bộ khoảng 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch. Điều người dân muốn biết nhất hiện giờ là, chỗ ở sau khi di dời gần hay xa nơi ở cũ?

Mong được tái định cư gần nơi ở cũ

Rạch Xuyên Tâm dài gần 9km, chảy qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp, là một trong tuyến rạch ô nhiễm bậc nhất TPHCM. Sau hơn 20 năm ấp ủ kế hoạch triển khai, công trình nạo vét, cải tạo và xây dựng hạ tầng cho tuyến rạch dự kiến khởi công năm nay, hoàn thành năm 2028.

Sinh sống trong một căn nhà lụp xụp cạnh rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh), anh Mai Văn Hiểu (45 tuổi) cho biết đã nghe về dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm từ rất lâu. Lần này, anh mong thành sự thật để gia đình được "lên bờ".

Điều anh Hiểu lo lắng lúc này là sẽ đi về đâu sau khi nhà bị giải tỏa. “Tôi nghe nói thành phố sẽ thí điểm cho các hộ dân ven kênh được thuê, mua nhà ở xã hội. Đây là điều chúng tôi rất mong mỏi. Nếu được bố trí nơi ở mới gần chỗ ở hiện nay thì càng tốt” - anh Hiểu nói.

Người dân sống ven rạch Xuyên Tâm mong được tái định cư gần nơi ở cũ. Ảnh: Anh Tú

Tương tự, gia đình 3 thế hệ của chị Phạm Thị Thiêm (47 tuổi) sống trên con rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) với căn nhà dựng tạm bằng tôn chưa đầy 20m2. Ban ngày chị Thiêm làm nghề thu mua ve chai, đêm đến bán bánh chuối chiên ở chợ Bà Chiểu để kiếm thêm thu nhập.

Chị Thiêm lo sắp tới giải toả đi nơi khác sẽ mất mối khách quen. “Tôi mong nhà nước cho tái định cư ở đâu gần đây chứ chuyển ra vùng ngoại ô hay đi nơi nào khác xa cuộc sống sẽ xáo trộn rất lớn” - chị Thiêm chia sẻ.

Rạch Xuyên Tâm ô nhiễm bậc nhất TPHCM. Ảnh: Anh Tú

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm qua quận Bình Thạnh có 2.122 trường hợp bị ảnh hưởng giải tỏa, tổng kinh phí bồi thường gần 6.000 tỉ đồng. Có 1.273 căn nhà ở quận Bình Thạnh sẽ bị giải tỏa trắng.

Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Đinh Khắc Huy cho biết, quận sẽ bố trí tái định cư cho người dân ở ngay tại quận Bình Thạnh để có điều kiện hỗ trợ, chăm lo tốt hơn.

Đến nay quận Bình Thạnh dự kiến bố trí được 300 nền đất và căn hộ tái định cư, còn thiếu 807 căn.

Sắp tới TPHCM sẽ xây dự án nhà ở xã hội tại khu đất rộng 1,21ha (số 4 Phan Chu Trinh, phường 12), quy mô ba chung cư tối đa 20 tầng/khối, với 850-900 căn hộ để tái định cư cho các hộ dân dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm.

Để không hình thành “ổ chuột” mới

Giai đoạn 2021 - 2030, TPHCM đặt mục tiêu di dời toàn bộ hơn 20.000 căn nhà ven, trên kênh rạch để chỉnh trang đô thị. Trước mắt giai đoạn 2021 - 2025 sẽ di dời 6.500 căn.

Hiện Sở Xây dựng đang chủ trì thực hiện đề án thí điểm cho hộ dân sống ven, trên kênh rạch được mua, thuê mua nhà ở xã hội dựa trên các quy định pháp luật liên quan đến Luật Đất đai, Luật Nhà ở mới. Việc này kỳ vọng giúp thành phố đẩy nhanh và giải quyết dứt điểm số lượng nhà trên và ven kênh rạch còn lại.

Theo Tiến sĩ Dư Phước Tân - Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nếu có chính sách hỗ trợ về nhà như vậy thì sắp tới đây khi triển khai các dự án giải tỏa nhà ven và trên kênh rạch sẽ tạo sự đồng thuận cao hơn từ người dân, khi đó việc di dời sẽ nhanh hơn.

Mặt khác, chính sách này sẽ thực hiện tốt hơn nguyên tắc đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn cho người dân sau khi di dời khỏi nơi ở cũ.

TPHCM di dời nhà ven kênh cần giải bài toán nhu cầu chỗ ở và kế sinh nhai cho người dân. Ảnh: Anh Tú

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TPHCM cho rằng, vấn đề khó nhất của việc giải tỏa nhà ở ven không chỉ là giải quyết chỗ ở, mà còn phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến việc làm, học hành, dịch vụ xã hội và văn hóa tinh thần của người dân.

Theo ông Hòa, trước đây TPHCM có 2 dự án tái định cư trên kênh rạch là dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè di dời giải tỏa hơn 7.000 hộ dân với gần 50.000 nhân khẩu và dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm tái định cư cho 166 hộ dân.

Ở dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, phần lớn những người dân được đưa vào các chung cư như Rạch Miễu, Hiệp Bình Phước, Trần Quốc Thảo, Nguyễn Đình Chiểu. Người dân thuộc nhóm tái định cư không hài lòng với cuộc sống chung cư, sau khoảng 10 năm, số người còn sống ở chung cư Trần Quốc Thảo còn chừng 60%, ở Hiệp Bình Phước dưới 50%.

Trong khi đó, ở dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm, số hộ tái định cư tại chỗ là 72 hộ, sau 10 năm, số hộ còn trụ lại là 90%, chỉ có 7 hộ (10%) đi nơi khác do bán nhà trả nợ.

Còn số thuộc diện tái định cư di đời đến Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) là 94 hộ, nay chỉ còn khoảng 40% còn ở lại. “Khu tái định cư ở Bình Hưng Hòa A rất ổn về chỗ ở, nhưng rất nhiều người dân vẫn quay về Quận 6, vì ở đó, họ mới có cơ hội mưu sinh” - ông Hòa nói.

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TPHCM, giải tỏa một con kênh và tái định cư cho người sống trên kênh rạch là một bài toán phức hợp rất khó, bởi là sự kết hợp của kinh tế - văn hóa - xã hội với kỹ thuật và tài chính. Nếu coi nặng việc giải phóng con kênh, mà coi nhẹ các mặt khác, thì kết cục là con kênh sạch đẹp, thông thoáng, nhưng “khu ổ chuột” lại di chuyển đến một nơi khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn