MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cống ngăn triều Mương Chuối - cống lớn nhất trong 6 cống thuộc dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng. Ảnh: Minh Quân

TPHCM hoàn thành 2 công trình trọng điểm hơn 53.000 tỉ đồng vào năm 2024

MINH QUÂN LDO | 19/12/2023 13:50

TPHCM - Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tổng vốn 43.700 tỉ đồng giúp mở ra loại hình giao thông công cộng khối lượng lớn và dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng giúp kiểm soát ngập cho khoảng 6,5 triệu dân phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM sẽ hoàn thành năm 2024.

Metro số 1 chạy thương mại tháng 7.2024

Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TPHCM, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, dài gần 20 km, từ depot Long Bình (TP Thủ Đức) đến Bến Thành (Quận 1). Tuyến có 11 ga trên cao và 3 ga ngầm ở trung tâm thành phố gồm: Bến Thành, Nhà hát thành phố và Ba Son.

Sau 11 năm thi công, dự án Metro số 1 hiện đạt hơn 97% khối lượng, đã chạy thử nghiệm toàn tuyến cả đoạn ngầm và trên cao. Từ ngày 21-23.12 sẽ diễn tập chính thức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại nhà ga ngầm Bến Thành của Metro số 1.

Tàu Metro số 1 chạy thử đoạn trên cao. Ảnh: Anh Tú

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), Metro số 1 sẽ hoàn thành công tác thi công cuối năm nay và nghiệm thu các gói thầu xây dựng đầu năm 2024.

Tháng 3.2024, việc lắp đặt hệ thống cơ điện của dự án sẽ hoàn thành, đồng thời nhà thầu kiểm tra, khắc phục các khiếm khuyết cũng như hiệu chỉnh từng thiết bị, máy móc, đảm bảo vận hành trơn tru.

MAUR đặt mục tiêu giữa năm 2024 xây dựng xong 9 cầu bộ hành kết nối các ga trên cao của tuyến Metro số 1, song song với đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống và đào tạo lái tàu, nhân viên vận hành.

Sau khi được các cơ quan quản lý chuyên ngành nghiệm thu hoàn thành dự án, tuyến tàu điện sẽ bắt đầu khai thác thương mại từ tháng 7.2024.

Giá vé đi toàn tuyến Metro số 1 ở TPHCM chỉ 18.000 đồng. Ảnh: Anh Tú

Giá vé đi Metro số 1 dự kiến thấp nhất 12.000 đồng nếu khách đi từ 5 km trở xuống, 14.000 đồng với lộ trình 5-10 km; 16.000 đồng cho 10-15 km và 18.000 đồng với cự ly 15 km trở lên. Vé tháng áp dụng chung 260.000 đồng. Ngoài ra, khách có thể mua vé một ngày hoặc ba ngày, lần lượt được đề xuất 40.000 đồng và 90.000 đồng.

MAUR dự báo sản lượng hành khách năm đầu tuyến Metro số 1 vận hành dự kiến đạt gần 68.000 lượt khách/ngày. TPHCM cần chi khoảng 1.000 tỉ đồng trợ giá cho tuyến Metro số 1 trong năm đầu vận hành.

Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM được kỳ vọng mở ra phương thức vận chuyển mới với khối lượng lớn, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ khu trung tâm đến cửa ngõ phía Đông TPHCM.

Metro số 1 cũng là cơ sở phát triển các tuyến metro khác, góp phần giảm ùn tắc, kết nối đô thị dọc tuyến...

Siêu dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng

Dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét tới biến đổi khí hậu" được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng.

Công trình đi qua Quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh với 6 cống ngăn triều lớn, rộng 40-160 m. Dự án cũng làm tuyến đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh dài 7,8 km.

Khởi công giữa năm 2016, công trình dự kiến hoàn thành dịp 30.4.2018. Hiện công trình đã hoàn thành hơn 90%, nhưng bị vướng thủ tục thanh toán cho nhà đầu tư nên đã chậm trễ 5 năm so với kế hoạch. Dự án tạm ngưng từ cuối năm 2020 đến nay.

Cống Mương Chuối có quy mô lớn nhất trong số 6 cống ngăn triều của dự án. Ảnh: Minh Quân

Hiện dự án cần khoảng 1.800 tỉ đồng để hoàn thiện 10% còn lại. Tuy nhiên, nhà đầu tư không còn đủ khả năng tài chính, thời gian vay kéo dài nên ngân hàng không tiếp tục cấp vốn.

UBND TPHCM đang giao Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) khẩn trương phối hợp đề xuất, báo cáo quy trình giải ngân vốn cho dự án.

Dự kiến, TPHCM sẽ ủy thác ngân sách khoảng 1.800 tỉ đồng cho HFIC để đơn vị này cho nhà đầu tư vay. Sau khi công trình được nghiệm thu, thành phố sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT và các phụ lục. Nhà đầu tư sau đó thanh toán nợ với HFIC và đơn vị này hoàn lại ngân sách thành phố khoản vốn đã nhận ủy thác.

Phương án trên được đánh giá thuận lợi vì ngân sách TPHCM không tạm ứng trực tiếp cho nhà đầu tư mà ủy thác để HFIC cho vay theo quy định đối với quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Cống ngăn triều Tân Thuận (Quận 4 và 7) nằm trên Kênh Tẻ đã hoàn thành 93% khối lượng. Ảnh: Minh Quân

Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM ngày 2.12, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện dự án ngăn triều trong năm 2024.

Công trình hoàn thành giúp kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn