MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cửa kiểm soát vé tự động đã được lắp đặt tại ga Nhà hát Thành phố của tuyến metro số 1. Ảnh: MAUR

TPHCM hướng đến dùng một loại thẻ đi tất cả xe buýt, metro và BRT

MINH QUÂN LDO | 10/08/2021 20:11

TPHCM hướng đến việc áp dụng vé điện tử liên thông, tức là chỉ với 1 tấm thẻ nhưng có thể sử dụng để đi xe buýt, metro, BRT, buýt sông.

Chưa liên thông thanh toán tự động

Hiện nay, vé giấy vẫn đang được sử dụng chủ yếu cho các xe buýt ở TPHCM. Từ tháng 3.2019 đến nay, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM phối hợp với 2 công ty thí điểm sử dụng thẻ liên kết với ví điện tử Zalo Pay (Unipass) và thẻ ngân hàng để thanh toán trên 21 tuyến xe buýt.

Hai loại thẻ xe buýt này có khả năng tích hợp với các dịch vụ thanh toán bằng các tài khoản trên thiết bị di động với nền tảng công nghệ không tiếp xúc như công nghệ NFC, QR code, thẻ tín dụng do các ngân hàng phát hành...

Hành khách dùng thẻ xe buýt thông minh để thanh toán tự động trên tuyến xe. Ảnh: Minh Quân chụp lúc chưa có dịch COVID-19

Trong khi đó, hệ thống thu phí tự động (AFC) của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) hiện đã xong khâu thiết kế kỹ thuật, đang chuyển sang giai đoạn sản xuất, chế tạo và lắp đặt một số thiết bị tại công trường.

Tuy nhiên, do ý tưởng thiết kế, xây dựng từ 10 năm trước nên hệ thống AFC chưa đa dạng hình thức nạp tiền, mua vé do chỉ phục vụ qua máy bán vé tự động hoặc tại quầy ở ga; chưa hỗ trợ qua ATM, thẻ tín dụng, các loại ví điện tử...

Ngoài ra, AFC của metro số 1 cũng chưa cho dùng thẻ ngân hàng để thanh toán hoặc điện thoại thông minh thay vé khi đi tàu; chưa tích hợp vé thành ví điện tử để khách thuận tiện thanh toán khi mua sắm, dùng dịch vụ tại ga...

Hệ thống AFC của tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) hiện trong giai đoạn chuẩn bị mời thầu nhưng theo thiết kế cũng có những bất cập gần giống tuyến metro số 1, nhất là việc không thể xử lý được thẻ vé của tuyến khác.

Còn hệ thống AFC của tuyến buýt nhanh (BRT) số 1 được thiết kế tương đối hiện đại với thiết bị đầu đọc hỗ trợ và giao tiếp được nhiều loại thẻ vé khác nhau, gồm cả thẻ ngân hàng, thanh toán di động trong tương lai. Máy bán vé còn có thể nạp tiền bằng thẻ ngân hàng ATM, thẻ tín dụng.

Bắt buộc phải có khung tiêu chuẩn

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này do nguồn vốn thực hiện các dự án trên được tài trợ từ nhiều nguồn nên sử dụng công nghệ khác nhau. Cụ thể, tuyến metro số 1 do tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ; tuyến metro số 2 do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái Thiết Đức (KFW) và Ngân hàng đầu tư Châu Âu (EIB) đồng tài trợ và tuyến BRT số 1 do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Việc chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho hệ thống thu soát vé tự động và công nghệ thu soát vé của mỗi dự án khác nhau, dẫn đến khó liên thông thanh toán tự động giữa các hệ thống thu soát vé.

Hành khách sử dụng thẻ điện tử UniPass để thanh toán khi đi xe buýt. Ảnh: Minh Quân

UBND TPHCM đã giao Sở GTVT xây dựng khung tiêu chuẩn cho hệ thống thu soát vé tự động trên địa bàn thành phố, đảm bảo thanh toán liên thông, xuyên suốt giữa các hệ thống AFC liên quan trong hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, hiện thành phố đã hoàn thành dự thảo khung tiêu chuẩn và đang lấy ý kiến Bộ GTVT và Bộ Khoa học – Công nghệ. Sau khi UBND TPHCM ban hành khung tiêu chuẩn, ngành giao thông thành phố sẽ nghiên cứu chỉnh sửa và bổ sung các bất cập, làm cơ sở trước khi mời thầu.

"Sau này người dân dùng một thẻ vé điện tử có thể sử dụng cho cả xe buýt, metro, BRT, buýt sông. Thành phố cũng sẽ tích hợp các hệ thống vé công cộng với nhu cầu mua sắm của người dân để làm tăng nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng. Phía quản lý cũng có thêm cơ sở dữ liệu để quản lý minh bạch hệ thống và khoa học hơn” - ông Lâm nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn